Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2021)

Tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ

- Thứ Ba, 27/07/2021, 05:54 - Chia sẻ
Tháng 6.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh toàn quốc để Nhân dân có dịp tri ân các thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, các đại biểu đại diện cơ quan trung ương, các ngành, khu và tỉnh Thái Nguyên đã họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhất trí lấy ngày 27.7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc (từ năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ).

Biết ơn, giúp đỡ những người con anh dũng

Ngày 17.7.1947, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

  Cùng với việc động viên tinh thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào nhường cơm, sẻ áo thiết thực giúp đỡ thương binh và bản thân Người gương mẫu thực hiện trước việc ủng hộ bằng tiền và vật chất: “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bẩy đồng (1,127đ.00)”.

Hàng năm cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư thăm hỏi, động viên, hoặc trực tiếp tới chia sẻ với các thương binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 27.7.1948, trong bức thư dài đầy tình thương mến, Người viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến… số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết hy sinh tính mạng họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào… Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống… Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”.

    Tối ngày 11.2.1956, vào đúng đêm Giao thừa Tết Bính Thân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội. Người ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống, công việc của các thương binh. Trong buổi nói chuyện, Người đã nói một câu đến nay trở thành phương châm sống của các thương - bệnh binh: “Có Trường Thương binh hỏng mắt này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy các chú tàn mà không phế”.

  Để việc chăm sóc thương binh - gia đình thương binh dần trở thành nền nếp thường xuyên, rộng khắp, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Ủng hộ thương binh. Năm 1951, Người phát động phong trào “Đón thương binh về làng”… Cùng với việc động viên toàn Đảng, toàn dân chăm sóc thương binh - gia đình liệt sĩ với tinh thần “Đền ơn - đáp nghĩa”, Người cũng chủ động nhắc nhở các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ: “Cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên nêu yêu cầu quá đáng, ra vẻ ‘công thần’”.

Bác Hồ thăm trường thương binh hỏng mắt Hà Nội, Tết Bính Thân, 1956
Ảnh tư liệu

Tàn nhưng không phế

Trước lúc về “thế giới người hiền”, trong bản Di chúc để lại “muôn vàn tình thân yêu” cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cụ thể: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong mọi hoàn cảnh, Đảng và Nhân dân ta đã dành mọi sự thương yêu, biết ơn đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Những việc làm cụ thể cùng các chính sách ưu đãi thiết thực đã làm vơi bớt nỗi đau của các thương binh và thân nhân liệt sĩ, giúp họ ổn định cuộc sống tinh thần - mặc dù nỗi đau cơ thể và mất mát người thân không gì bù đắp được.

Trân trọng mọi sự chăm sóc ấy, các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ cũng hết sức cố gắng trong lao động sản xuất, gương mẫu chấp hành pháp luật, nhiều người trở thành tấm gương tiêu biểu, được xã hội tôn vinh. Đơn cử như cựu chiến binh Lê Khắc Minh, thương binh hạng 4/4, 73 tuổi, ở thôn 2, thị trấn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Với ý chí và nghị lực của anh bộ đội cụ Hồ, ông đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, từng bước cải tạo vườn tạp để trồng tập trung các loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, bời lời… đến nay, đã có hơn 8ha trồng cây công nghiệp.

Không ngại khó khăn gian khổ, ông Lê Khắc Minh từng bước gây dựng nền tảng kinh tế vững vàng cho gia đình, nuôi con ăn học trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Nhờ năng động, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động tại địa phương, ông được mọi người tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Sa Thầy. Ở vai trò, vị trí nào ông cũng luôn phát huy tốt phẩm chất của người lính, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông là một trong những tấm gương bình dị mà cao quý được Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng chọn giới thiệu trong triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2018.

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh