Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Tri ân nhà giáo bằng chính sách phù hợp

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:19 - Chia sẻ
Những ngày này, toàn xã hội đang hướng về các nhà giáo với tình cảm trân trọng và biết ơn. Những câu chuyện xúc động, đầy sức lan tỏa về cống hiến của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc khiến mỗi người chúng ta cảm nhận rõ sự giản dị, mộc mạc và đầy tính nhân văn của nghề trồng người.

Ước mơ lớn nhất là được đứng trên bục giảng

Đã ngót nghét 20 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Trường PTCS xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, cô giáo Lý Thị Thu, người dân tộc Dao, vẫn không ngừng truyền đi tình yêu Tổ quốc qua âm nhạc cho học sinh quê hương Bắc Sơn anh hùng. Nhớ lần đầu tiên đi dạy ở điểm trường lẻ thôn Bản Liếng - một bản làng dân tộc Dao, cách trường chính khoảng 10km, bài đầu tiên cô Thu dạy học trò của mình là Quốc ca Việt Nam. Nhưng phần lớn các em không biết tiếng phổ thông nên không hiểu điều cô truyền dạy. Vậy là cô Thu vừa dùng tiếng Việt vừa dùng tiếng Dao và kết hợp với các hành động của cơ thể, biểu cảm để giảng bài. Trong lớp, học trò chăm chú theo dõi từng cử chỉ của cô. Bên ngoài, phụ huynh cũng dõi theo lẩm nhẩm khúc hát Quốc ca. Lúc đó, cô Thu cảm thấy dâng trào cảm xúc tự hào khó tả...

Đi cùng với nghề giáo là những câu chuyện xúc động, đầy sức lan tỏa về cống hiến của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc. Câu chuyện về thầy giáo trẻ Thái Thành Thuận, Trường THCS Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), bị tai nạn bất ngờ nên liệt 2 chân và phải ngồi xe lăn suốt đời. Một năm sau, sức khỏe tạm ổn, thầy Thuận đi dạy trở lại. Mỗi ngày, thầy giảng bài trên chiếc xe lăn, học trò chăm chú lắng nghe và lớp học rộn ràng không kém lúc thầy còn khỏe mạnh... “Ước mơ lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng. Vì vậy, dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu tôi cũng phải nỗ lực vượt qua để có thể tới trường, được gặp đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu”, thầy Thuận tâm sự.

Vào những ngày đầu tháng 10, miền Trung và tỉnh Quảng Bình ngập trong mưa lũ, giao thông bị sạt lở và chia cắt, thầy Hoàng Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch, xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đã dùng bè chuối bơi ra khỏi vùng “cô lập” để lấy thực phẩm cho học sinh… Và trong suốt 12 năm đứng lớp, điều mà cô giáo dân tộc Khmer Thị Chanh Sóc The (Trường tiểu học Thạnh Yên 2, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cảm thấy hạnh phúc nhất là khi thấy học sinh trưởng thành, lễ phép, biết vâng lời, biết chia sẻ, biết quan tâm đến nhau; khi thấy các em biết nỗ lực, cố gắng vượt lên chính mình, cũng như biết nhận lỗi và sửa lỗi.

Nguồn: ITN

Đầu tư thỏa đáng cho giáo dục

Xác định đội ngũ thầy, cô giáo là nhân tố trực tiếp quyết định việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành giáo dục, GS. TS Nguyễn Văn Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong khi chúng ta đang tiến hành đổi mới, các thầy cô giáo đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đổi mới này, thì các chế độ chính sách đối với nhà giáo cần được quan tâm đầu tư để tạo động lực tốt cho thầy cô.

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga, nguyên giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, hiện nay, nhìn vào khối lượng công việc, áp lực giáo viên phải đối mặt, đặc biệt giáo viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo áp lực rất lớn. Nhiều thầy cô phải vượt lên những áp lực đó để bám nghề với lý do đơn thuần yêu nghề, mến trẻ. Ngay tại Hà Nội, thu nhập của giáo viên cũng chưa bảo đảm cuộc sống, như vậy sẽ khó toàn tâm toàn ý cho công việc. Có những vùng, giáo viên hợp đồng có thâm niên mấy chục năm nhưng mức lương còn thua công nhân lao động chân tay. Thực tại này khiến giáo viên khó yên tâm sống với nghề, chưa nói đến nâng cao chất lượng đội ngũ. “Vì vậy, Nhà nước, ngành giáo dục cần tiếp tục có những chế độ, quyết sách ưu đãi giáo viên, đặc biệt những giáo viên vùng sâu, vùng xa, miền biên giới, hải đảo. Nghề giáo nên là nghề đặc thù”, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nói.  

Đồng quan điểm, ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện nay, cả xã hội rất quan tâm đến chất lượng giáo dục. Quan niệm giáo dục phải chuẩn mực, phải “tròn”, nên xã hội có cái nhìn khắt khe và yêu cầu cao hơn so với các lĩnh vực khác. Phụ huynh coi thầy cô giáo là hình mẫu để đào tạo, bồi dưỡng cho cả một thế hệ nên để đáp ứng được mong muốn này, Nhà nước cần quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn cho giáo dục.       

Với cương vị vừa là nhà giáo, vừa là nhà quản lý, ĐBQH, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Dương Minh Ánh cho rằng đi cùng với lương là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Thực tế, chất lượng đội ngũ nhà giáo các vùng miền khác nhau. Thường những nhà giáo có trình độ, năng lực tập trung ở những thành phố lớn. Ở nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không thu hút được giáo viên. Mặc dù ngành giáo dục đã có những chính sách thu hút nhưng dường như vẫn chưa thỏa đáng. Theo bà Ánh, cần phải có chính sách đột phá hơn thu hút người tài ở những vùng đặc thù này.     

Khải Minh