Treo cổ cựu Tổng thống, Iraq nghẹt thở?

31/12/2006 00:00

Saddam Hussein đã bị treo cổ. Người mừng, kẻ lo. Iraq có nguy cơ chìm trong nội chiến. Sự kiện này làm dấy lên không ít lo âu. Nhiều người băn khoăn không biết quyết định xử tử hình cựu Tổng thống Iraq có phải là một quyết định sai lầm?

      Saddam Hussein đã bị treo cổ
      Cuối cùng thì những người hồ nghi về khả năng cựu Tổng Thống Saddam Hussein có thể bước qua ngưỡng cửa cuối cùng của năm 2006 cũng đã có câu trả lời rõ ràng: bản án đã được thi hành. Cái chết dù bất ngờ cũng đã có những dấu hiệu được báo trước ngay từ khi trưởng đoàn luật sư bào chữa cho ông Saddam cho biết thân chủ của mình đã bị quân Mỹ chuyển giao cho Chính quyền Iraq. Trước đó, quân Mỹ im lặng, không phủ nhận cũng không công nhận trước nguồn tin này đã khiến dư luận xôn xao. Và giờ đây điều đó đã được khẳng định. Iraq đã bước vào thời kỳ hậu ra đi của Saddam với không ít lo âu.

06saddam_hussein-GW_300.jpg


      Một quyết định sai lầm?
      Nếu quyết định tán thành bản án tử hình dành cho cựu độc tài Iraq Saddam Hussein hôm 26.12 vừa qua của Tòa án Thượng thẩm Iraq đã làm dấy lên trong lòng dư luận một trận cuồng phong thì giờ đây nguồn tin khẳng định Saddam Hussein đã bị đưa lên giá treo cổ đang gây ra một cơn bão. Dư luận quốc tế sục sôi, nháo nhác với nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về chuyện có nên làm hay không của một việc đã rồi. 
      Tại Iraq, trong khi người Shiite và người Kurd vỗ tay reo mừng thì những người Sunni lại đe dọa sẽ trả đũa mọi lúc, mọi nơi. Bạo lực ngày càng leo thang. Số nạn nhân thương vong không ngừng tăng lên. Iraq dường như đang trên đường bước vào cuộc nội chiến.
      Trên thế giới, với nhiều người việc xử tử hình Saddam Husein là một quyết định sai lầm. Không phải bởi họ yêu mến Saddam, không phải họ phủ nhận những hậu quả mà chế độ Saddam Hussein đã gây ra cho nhiều người dân Iraq. Saddam Hussein phải trả giá, nhưng không phải vào thời điểm này và không phải trên giá treo cổ. "Bạo chúa” lẽ ra đã phải được thoát chết với ba lý do:
      Thứ nhất và cũng là lý do quan trọng nhất, tình hình tại Iraq hiện nay đang trong trạng thái rất căng thẳng và xung đột luôn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Tử hình Saddam Hussein sẽ chỉ giúp cho những người ủng hộ và phản đối nhân vật độc tài này tại Iraq có thêm lý do để “gây thù chuốc oán”. Người Shiite vui mừng. Người Sunni giận dữ và hàng ngũ những người nổi dậy vì thế mà ngày càng gia tăng. Al Qaeda, kẻ thù của chế độ Saddam cũng hoan hỉ. Sự kiện này sẽ làm vết thương giữa các dân tộc Iraq rách toạc và gây nên nỗi đau nhức nhối khó bề hàn gắn. Trong bối cảnh đó, nội chiến sẽ không phải là điều gì quá xa xôi. Đi xa hơn, nội chiến sẽ không chỉ nhấn chìm Iraq mà còn kéo theo cả khu vực Trung Đông bao nhiêu năm nay vẫn chìm trong xung đột triền miên chưa tìm ra lối thoát xuống vực sâu bạo lực. Một cái chết sẽ không thể giải thoát một đất nước đã và đang có quá nhiều tang tóc hàng ngày. Như vậy, tử hình Saddam Hussein, cái giá phải trả thì quá đắt mà kết quả thu về có thể chỉ là “zero”. Đối với Mỹ, tử hình ông Saddam cũng sẽ kéo cả nước này ngập sâu vào vũng lầy ở Iraq. Washington chẳng lẽ lại không nhận thấy rằng dây thòng lọng trên giá treo cổ có một đầu buộc vào chân của Nhà Trắng.
      Thứ hai, vẫn còn nhiều điều gây tranh cãi xung quanh phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Saddam Hussein. Luật sư của ông bị đe dọa, bị tấn công. Đó là lý do khiến nhiều người còn hoài nghi về khả năng được bào chữa thật sự của ông Saddam. Câu hỏi đặt ra là tại sao Saddam Hussein không bị xét xử theo một cách khác như thông qua Tòa án quốc tế của LHQ đặt tại La Haye mà lại do tòa án của Iraq xét xử. Với nhiều người, câu trả lời có vẻ như không mấy phức tạp: phiên tòa xét xử Saddam Hussein không phải là một phiên tòa thông thường, đó là “một phiên tòa chính trị”. Sự ra đi chóng vánh của cựu Tổng thống có vẻ như sẽ giúp cắt đứt tất cả những liên hệ lịch sử giữa chế độ Saddam Hussein và Mỹ. Không còn Saddam, sẽ không còn ai thắc mắc lý do tại sao Chính quyền Reagan trước kia lại nhắm mắt làm ngơ trước thảm họa người Kurd năm 1988.
      Thứ ba, thi hành bản án của Saddam Hussein có thể là nguy cơ khiến những nhân vật độc tài khác trên thế giới tìm mọi cách củng cố quyền lực. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân chính khiến EU lên tiếng phản đối. Tất nhiên, do tại các nước EU án tử hình đã bị bãi bỏ nên Brussels hoàn toàn có thể “vin” vào đó để phản đối quyết định xử tử hình Saddam Hussein. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đó không phải là lý do duy nhất bởi đưa Saddam lên giá treo cổ có thể khiến xung đột giữa thế giới Hồi giáo và văn minh phương Tây ngày càng gia tăng sau những sự kiện chẳng mấy dễ chịu năm vừa qua. Nguy hiểm lại nằm ở chỗ, kết cục của Saddam Hussein có thể là lời cảnh báo với những nhân vật độc tài khác, về một cái kết tương tự như thế nếu họ rời khỏi chiếc ghế quyền lực. Nỗi lo âu này sẽ khiến các nhân vật độc tài tìm mọi cách để củng cố quyền lực của mình. Và tất nhiên, với phương Tây, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
      Bất chấp mọi phản đối, bản án tử hình dành cho cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein cũng đã được thi hành. Iraq đã bước vào thời kỳ hậu ra đi của Saddam. Người Mỹ sẽ đúng vì cho rằng việc đưa cựu độc tài lên giá treo cổ sẽ giúp cho Iraq lấy lại được tình trạng yên ổn, chấm dứt bạo lực, xây dựng dân chủ hay ngược lại? Nhiều khả năng Iraq không những không thoát khỏi vũng lầy hiện nay mà còn chìm sâu vào nội chiến sau cái chết của Saddam Hussein? Chắc rằng cộng đồng quốc tế sẽ chẳng phải chờ lâu để có được câu trả lời.

Huyền Nga
Tổng hợp

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Treo cổ cựu Tổng thống, Iraq nghẹt thở?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO