Trên quê hương Xuân Lộc

Hương Giang 30/04/2011 07:34

Sau 36 năm giải phóng, từ một vùng đất bị bom cày đạn xới, giờ đây huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đang đổi thay từng ngày. Không chỉ phát triển cây công nghiệp, nơi đây đang được xem là điển hình trong phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng có năng suất cao.

Xuân Lộc- cửa ngõ miền Đông Nam bộ, nơi từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt năm xưa, Ngụy quyền đã đặt ở đây cánh cửa thép nhằm cản bước tiến công thần tốc của quân giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau chiến tranh, Xuân Lộc là huyện thuần nông, đời sống của người dân muôn vàn khó khăn, đa số phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Năm 1991, huyện Xuân Lộc được chia tách thành 2 huyện là Xuân Lộc và Long Khánh. Vào thời điểm mới chia tách, Xuân Lộc là huyện nghèo với 90% dân số sống bằng nghề nông; hạ tầng giao thông nông thôn nghèo nàn, chủ yếu là đường tạm, không có điện, cơ sở y tế, giáo dục thiếu thốn.

Chiến tranh đã lùi xa 36 năm, nhưng trong tâm khảm người dân huyện miền núi Xuân Lộc vẫn còn nhớ rõ, thời kỳ đầu sau chiến tranh, vùng đất này chỗ nào cũng có bom, mìn. Chiến tranh đã qua nhưng hàng ngàn trái mìn của địch vẫn còn ẩn trong đất rình rập sự sống của người dân. Đa số bà con sống tạm bợ trong những ngôi nhà tranh bên cạnh hố bom chưa kịp san lấp. Vậy mà hôm nay, Xuân Lộc đã trở thành một địa phương vững vàng về kinh tế, phát triển đồng đều các mặt văn hóa, xã hội. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện vào khoảng hơn 12%, thì nay giảm còn dưới 5%.

Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Trần Anh Tuấn cho biết: với truyền thống quật cường trong kháng chiến, 36 năm qua chính quyền huyện đề ra mục tiêu phấn đấu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bằng những việc làm thiết thực, huyện tập trung chỉ đạo, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy cao năng suất và làm hệ thống kênh mương thủy lợi đưa nước về đồng để người dân tăng vụ tăng thu nhập. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển vụ đông xuân cả diện tích, năng suất, sản lượng, đồng thời tăng dần các cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao như: tiêu, xoài, cao su, cà phê, cây ăn trái.

Qua 18 năm vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, đến nay trên địa bàn huyện đã dần hình thành các vùng chuyên canh cây trồng và từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, ngành nghề, tạo liên kết nông- công nghiệp- dịch vụ ngay trên địa bàn. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, đẩy mạnh khâu chuyển giao kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Với những nỗ lực của chính quyền và người dân, Xuân Lộc từ một huyện nghèo đã từng bước vươn lên. Những cánh đồng chỉ sản xuất 1 vụ và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên trước đây, nay nhờ có hệ thống thủy lợi, người dân có thể canh tác 3 vụ/năm. Vụ đông xuân trước đây, nhiều diện tích đất gieo trồng bị bỏ không, nay trở thành vụ chính và huyện hình thành một số cánh đồng 1 vụ bắp, 2 vụ lúa/năm ở xã Lang Minh, Xuân Phú, Suối Cát, vùng trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, Suối Cao, trồng xoài ở xã Xuân Hưng cho thu nhập 100 - 250 triệu đồng/ha/năm.

Tuy đất đai, khí hậu của Xuân Lộc không được thiên nhiên ưu đãi như một số huyện, thị khác, song nhờ đưa giống mới vào sản xuất và áp dụng kỹ thuật nên Xuân Lộc đã từng bước đẩy năng suất nhiều loại cây trồng tăng cao nhất tỉnh như: bắp, tiêu, xoài. Hiện nhiều hộ trong huyện đẩy năng suất tiêu lên trên 6 tấn/ha, cao gấp 3 lần năng suất bình quân của toàn tỉnh. Cá biệt có hộ ông Thắng xã Xuân Thọ đưa năng suất tiêu lên 10 tấn/ha/năm trong 3 năm liền. Hộ ông Trần Quang xã Xuân Phú đẩy năng suất bắp lên hơn 12 tấn/ha/vụ. Hợp tác xã xoài Suối Lớn ở xã Xuân Hưng đưa năng suất từ 20 tấn/ha/năm lên 35- 40 tấn/ha/năm... Do đó, đời sống của người dân của huyện dần được cải thiện, thu nhập đầu người đến năm 2010 tăng lên hơn 13 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, huyện đã xóa 100% nhà tạm trong khu dân cư và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 8% (theo chuẩn mới) vào năm 2009. Đời sống của người dân Xuân Lộc hôm nay thực sự bước sang trang mới, nhiều nông dân nhờ chịu khó sản xuất đã vướn lên khá giả, giàu có với thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/năm.

36 năm sau ngày giải phóng, Xuân Lộc được đánh giá là huyện có nông nghiệp phát triển nhất tỉnh. Kết quả này là nhờ sự năng động, nhạy bén của chính quyền, nhân dân huyện trong lao động và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Xuân Lộc đang tạo cho mình đầy đủ tâm thế để vươn lên với niềm vui mới, làm rạng danh quê hương miền Đông gian lao mà anh dũng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trên quê hương Xuân Lộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO