Trên “nóng”, dưới cũng “nóng”

- Thứ Bảy, 12/12/2020, 07:34 - Chia sẻ
Hôm nay (12.12), sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng, việc tổng kết thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng; khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà ngày càng quyết liệt, bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn.

Tham nhũng đã trở thành vấn nạn lớn, gây nhức nhối dư luận xã hội. Không chỉ dừng lại ở những vụ việc mang tính chất “tham nhũng vặt”, nhiều vụ đại án gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng cũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội. Đáng nói là, trong đó, không ít người từng nắm trọng trách lớn, thậm chí có người từng là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị đều bị đưa ra xử lý hình sự. Việc xử lý tham nhũng được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thực tế cho thấy, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm như: quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán… với các thủ đoạn như lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, còn có tình trạng thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Nhận định về tình hình xử lý tham nhũng trong năm 2020, Ủy ban Tư pháp cho rằng, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, bảo đảm tiến độ khởi tố, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án. Theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ tính năm 2020, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 20 năm đến 30 năm đối với 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 44 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 86 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 131 bị cáo.

Không chỉ xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm minh, công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đã tăng lên đáng kể. Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, năm 2020, kết quả thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói chung tăng 9,42% về việc và 14,01% về tiền so với cùng kỳ năm 2019.

Dù chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về phòng, chống tham nhũng nhưng với những kết quả đạt được trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng, của những cá nhân tâm huyết, không ngại va chạm, dũng cảm đứng lên chống tham nhũng đã góp phần không nhỏ vào thành công bước đầu của công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề, “tại sao trước kia nhiều án treo, khó giám định, khó định giá, tắc khâu này, tắc khâu kia... mà bây giờ vụ nào đi vụ nấy và xử lý số lượng như thế, mấy trăm người, cả Ủy viên Bộ Chính trị, mười mấy Ủy viên Trung ương, bao nhiêu cán bộ cao cấp”. Trước đây, có ý kiến nói là “trên nóng, dưới lạnh”, thì bây giờ hình như dưới “bớt lạnh”, có chuyển rồi, ấm ấm rồi. Những khâu yếu trước đây, như thu hồi tài sản khó, thì nay đã thu hồi được rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhận định.

Tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh để răn đe, để thu hồi tài sản cho nhà nước. Tuy nhiên, để không phải thấy “anh em, đồng chí” của mình bị kỷ luật Đảng, bị xử lý hình sự vì có hành vi tham nhũng, để không có những đại án đau lòng xảy ra rất cần cơ chế tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn từ đầu để không xảy ra hành vi vi phạm pháp luật.

Đánh giá, nhận diện đúng về tình hình tham nhũng thời gian qua để thấy rõ đâu là kết quả đã đạt được cần phát huy, đâu vẫn còn là khâu yếu cần phải khắc phục trong thời gian tới là điều rất cần thiết. Từ đó, có những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn tiếp theo. Hơn bao giờ hết, nhân dân mong rằng, trong công cuộc đấu tranh với tham nhũng cam go này, trên “nóng”, dưới cũng phải “nóng”.

Hà An