Trái ngọt từ truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”
Năm 2023 vừa đi qua có thể xem là một năm đầy thách thức của đất nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Vượt qua thử thách suốt một năm qua, người dân trong tỉnh đang được thụ hưởng thành quả những “trái ngọt” từ sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh bằng tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”. Và dù những gì đã đạt được là hết sức đáng tự hào trong năm kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh (30.10.1963 - 30.10.2023), tâm lý phải bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 ở khắp mọi miền vùng Mỏ càng khiến mùa xuân đặc biệt năm nay càng thêm phấn khởi.
Trên hành trình về với miền đất Mỏ những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi cảm nhận rõ nét niềm hân hoan đang lan tỏa trong từng ánh mắt, môi cười. Nơi chúng tôi đặt chân đầu tiên là Quảng Yên - thị xã bên bờ sông Bạch Đằng lịch sử. Từ một huyện thuần nông, phát triển trầm lắng vì tách biệt trong hệ thống kết nối giao thông tổng thể của tỉnh và khu vực, Quảng Yên đã tháo gỡ được các "nút thắt" để mạnh mẽ vươn mình. 2022 - 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định sẽ xây dựng Khu kinh tế biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới tuyến phía Tây và của tỉnh, trở thành đô thị công nghiệp, dịch vụ, cảng biển thông minh và hiện đại. Đây cũng là giai đoạn quan trọng thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã, hướng tới mục tiêu “Xây dựng Quảng Yên trở thành thành phố vào năm 2025; là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển và logistics, đạt đô thị loại II trước năm 2030”.
Rời Quảng Yên, trên tuyến cao tốc thẳng tắp trải dài toàn tỉnh, chúng tôi đến với Ba Chẽ - huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh. Sắc xuân như thôi thúc từng lộc biếc, chồi xanh vươn lên giữa tiết trời “rét ngọt” cuối năm ở vùng cao. Từ một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế. Dù xuất phát điểm rất thấp (năm 2010, huyện có 5 xã đặc biệt khó khăn và chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt mức 4,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 48%) nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, sau 12 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, cả 7 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đạt 66 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện chỉ còn 0,79%...
Đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo
Nhìn từ thành tựu của Ba Chẽ, Quảng Yên, mở rộng ra là cả tỉnh Quảng Ninh trong năm vừa qua để thấy, dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, song Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn, kiên định, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân, ý chí tự lực, tự cường, kiên trì nỗ lực, chủ động vượt qua và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Quảng Ninh khép lại năm 2023 bằng tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 55.600 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu Quốc hội, HĐND tỉnh giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước); tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, đà tăng trưởng 2 con số liên tục 9 năm liên tiếp (2015 - 2023), ngay cả trong giai đoạn rất khó khăn dịch Covid-19 bùng phát, cùng với nhiều thành tựu to lớn, nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá đã góp phần đẩy mạnh đưa công cuộc đổi mới toàn diện của Quảng Ninh đi vào chiều sâu, tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh hóa, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững dựa trên các trụ cột thiên nhiên - con người - văn hóa, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo thông minh, thân thiện với môi trường.
Với những nguồn lực mới, những năm trở lại đây, tỉnh quyết tâm vươn lên, liên tiếp duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số cải cách hành chính. Qua kết quả năm 2023 và nhìn lại nửa chặng đường triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2021 - 2025 có thể thấy: Trong sự kế thừa, đổi mới và phát triển, đến nay Quảng Ninh đã “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc”.
Định hình giá trị văn hóa, con người giàu bản sắc
Không chỉ đạt thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh cũng định hình hệ giá trị riêng có của tỉnh với tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, kết quả quá trình lao động, đấu tranh sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.
Như Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký từng khẳng định: Các giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” là hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại; tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người. Trong đó, “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “Nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến.
Đặc biệt, kiên trì với mục tiêu nâng cao đời sống cho Nhân dân, để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, Quảng Ninh định hình "Nhân dân hạnh phúc" là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều hướng tới hạnh phúc của Nhân dân. Do đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu, Nhân dân ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc, Quảng Ninh là “vùng đất lành” để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.
Một mùa xuân mới lại về trên khắp dải đất hình chữ S. Trong niềm vui chung của cả nước, đất mỏ anh hùng càng rộn rã vui tươi đón chào những niềm vui mới. 60 năm xây dựng và phát triển vừa qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh với bản lĩnh và ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực; nhất là giai đoạn sau 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Câu chuyện cuối năm ở Quảng Ninh vì thế càng ấn tượng hơn khi chứng kiến những đổi thay diệu kỳ đến từ các quyết sách trúng và đúng. Những thành quả này là minh chứng cho sự kế thừa và phát huy thành quả của các nhiệm kỳ trước, cũng như kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh luôn nêu cao tinh thần chủ động, trăn trở tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất xây dựng các mô hình mới, cách làm mới, để phát triển, tạo ra thế và lực tiếp đà bứt phá cho chặng đường mới.