Bảo đảm quyền của người khuyết tật về việc làm và giáo dục nghề nghiệp

Trên mở, dưới thắt

- Thứ Ba, 24/11/2020, 07:07 - Chia sẻ
Khung pháp luật và chính sách về việc làm cho người khuyết tật vẫn còn nhiều bất cập, một số quy định “trên mở, dưới thắt” là rào cản trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của người khuyết tật… Đây là một trong những nội dung được nêu trong Dự thảo báo cáo nghiên cứu “Tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm và giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam theo Công ước về quyền của người khuyết tật” vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến tham vấn.

Chưa trúng và chưa đúng 

Theo kết quả nghiên cứu, thời gian qua, mặc dù các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật đã tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng nhưng tỷ lệ người khuyết tật có việc làm hiện nay ở nước ta vẫn còn rất khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ này là 31,7% so với tổng số người khuyết tật vào năm 2016 theo số liệu điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam và 41,1% năm 2019 theo Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC). Phần lớn lao động khuyết tật hiện làm việc trong hộ gia đình không hưởng lương, tự làm, một số làm việc trong các doanh nghiệp dành riêng cho người khuyết tật, chỉ có số ít làm việc trong các doanh nghiệp.

Cần nhiều giải pháp để bảo đảm quyền việc làm của người khuyết tật
Nguồn: ITN

Điều này có một phần nguyên nhân từ chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật có nhiều điểm chưa hợp lý, không đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp. Đơn cử, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi miễn thuế dành cho doanh nghiệp có 30% trên tổng số lao động là người khuyết tật và có số lao động bình quân trong năm từ 20 người trở lên. Do đó các doanh nghiệp siêu nhỏ (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người) dù sử dụng hơn 30% tổng số lao động là người khuyết tật cũng không đủ điều kiện để được miễn thuế, hoặc doanh nghiệp sử dụng hàng trăm lao động người khuyết tật cũng chỉ được hưởng chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp sử dụng vài chục lao động là người khuyết tật.

Bên cạnh đó, so với Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998, Luật Người khuyết tật 2010 đã bỏ quy định mang tính bắt buộc về việc sử dụng một tỷ lệ phần trăm nhất định lao động là người khuyết tật (trong các khu vực công như cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Hiện nay, việc sử dụng lao động là người khuyết tật chỉ mang tính khuyến khích (Điều 35 Luật Người khuyết tật), vì vậy việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức và thái độ của người sử dụng lao động đối với người khuyết tật. Đây có thể xem là một nguyên nhân quan trọng làm giảm cơ hội việc làm của người khuyết tật.

Hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm đối với người khuyết tật

Trong giáo dục nghề nghiệp, Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 quy định người khuyết tật tham gia đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo, mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại (Điều 2). Tuy nhiên, các nghề này phải thuộc Danh mục nghề đào tạo do UBND cấp tỉnh phê duyệt (Điều 7, Điều 10). Hiện nay, mỗi địa phương đã ban hành quy định danh mục nghề, thời gian, chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo thực tế và đặc thù của từng vùng, địa phương.

Khảo sát tại các địa phương cho thấy, danh mục này còn thiếu đa dạng, chỉ giới hạn trong một số nghề được “mặc định” cho các nhóm/dạng khuyết tật khác nhau (như: khuyết tật vận động thường được đào tạo về công nghệ thông tin; khuyết tật nhìn thường được đào tạo về nghề massage hoặc làm đồ thủ công như đan chổi hay làm tăm; khuyết tật nghe, nói thường được đào tạo nghề cắt tóc hoặc thợ may;…) dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được đào tạo nghề phù hợp vẫn rất thấp.

Thêm vào đó, Thông tư 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng yêu cầu người học phải có phương án tự tạo việc làm sau học nghề bảo đảm tính khả thi theo xác nhận của UBND cấp xã, hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng, hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề. Những quy định “trên mở, dưới thắt” này làm giảm cơ hội khi người khuyết tật muốn học các nghề không có trong Danh mục nghề đào tạo do UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Theo PGS.TS. Vũ Công Giao, Đại học Quốc gia Hà Hội, là quốc gia thành viên Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) từ năm 2014, Công ước số 159 của ILO về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật từ năm 2019 và nhiều điều ước quốc tế khác có liên quan, Việt Nam cần có những biện pháp thực thi hiệu quả các cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm các quyền của người khuyết tật, trong đó có quyền về việc làm, duy trì việc làm và quyền được giáo dục nghề nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật người khuyết tật, Luật Giáo dục nghề nghiệp bảo đảm tương thích đầy đủ với CRPD và Công ước số 159 của ILO.

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS. Vũ Công Giao, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế để nâng cao hiệu quả việc cho vay giải quyết việc làm cho người khuyết tật qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật; mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với người khuyết tật; mô hình hợp tác xã có người khuyết tật tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.

Hoàng Tuấn