Xây dựng thương hiệu du lịch hồ Thác Bà

- Thứ Tư, 15/06/2022, 07:04 - Chia sẻ

Được ví như “Hạ Long trên núi”, với 330 di sản văn hóa vật thể, hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, Yên Bái là địa chỉ đầy tiềm năng và triển vọng lớn cho phát triển du lịch. Để xây dựng thương hiệu du lịch hồ Thác Bà, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình đã và đang triển khai đồng bộ các kế hoạch, giải pháp nhằm “đánh thức” lợi thế sẵn có này.

Khơi thông tiềm năng, thế mạnh

Để du lịch Yên Bình “cất cánh” rất cần những nhà đầu tư có tâm, có tầm đến đầu tư tại địa phương. Với quan điểm “các nhà đầu tư đến với Yên Bình là công dân của Yên Bình, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của huyện”, Yên Bình cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh và thực hiện tốt chủ trương kiến tạo, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất như về ưu đãi chính sách thuế, cắt giảm thủ tục hành chính… để phục vụ các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình AN HOÀNG LINH

Cách Hà Nội khoảng 140km, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ cùng hệ thống hang động sâu trong lòng những dãy núi đá vôi, hồ Thác Bà đang là điểm du lịch sinh thái và khám phá hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hồ Thác Bà còn là “Vùng văn hóa sông Chảy”, nơi lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về đời sống, canh tác, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi như: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan…

Thời gian qua, để đánh thức tiềm năng du lịch hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đã xây dựng Đề án về phát triển du lịch cộng đồng vùng Đông hồ Thác Bà; nhân rộng và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch của các mô hình cộng đồng tại 6 thôn. Đồng thời, triển khai các hoạt động hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như: cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh, dưa hấu Xuân Lai; các sản phẩm đan lát làng nghề… Bên cạnh đó, Yên Bình cũng chú trọng tuyên truyền, khuyến khích, giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban Thường vụ huyện Yên Bình đã chủ động triển khai hàng loạt chương trình kích cầu du lịch và hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để sẵn sàng đón khách. Theo đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các trang web, mạng xã hội. Đồng thời, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi du lịch; chỉ đạo tổ chức hướng dẫn các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19… Bên cạnh đó, huyện chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách. Mới đây, huyện đã xây dựng mới 2 mô hình du lịch cộng đồng tại thị trấn Yên Bình và xã Tân Hương; tổ chức công bố và ra mắt 2 sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP 3 sao và OCOP 4 sao.  

Có thể khẳng định, Yên Bình đang rất nỗ lực vì mục tiêu toàn khu du lịch trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Theo đó, nhiều sản phẩm, tour du lịch độc đáo, hấp dẫn mang nét đặc trưng riêng của địa phương đã ra đời, thu hút sự quan tâm đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến với Yên Bình luôn tăng cao, đặc biệt những ngày cuối tuần thu hút khoảng hơn 10 nghìn lượt khách. Nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn huyện đạt từ 80% đến 100% khách. Riêng trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, Yên Bình đã đón gần 30.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 18 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh thăm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Vũ Linh   Ảnh: Xuân Việt
Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh thăm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Vũ Linh
 Ảnh: Xuân Việt

“Trải thảm đỏ” thu hút đầu tư

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Lê Dũng phấn khởi cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Đây là “cơ hội vàng” cho du lịch Yên Bái nói chung và huyện Yên Bình nói riêng. Huyện đang nghiên cứu phương án xây dựng sản phẩm du lịch mới dựa vào lợi thế tiềm năng. Đồng thời, đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch theo chiều sâu như: Du lịch văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, homestay, vui chơi, giải trí, sinh thái… theo hướng kết nối các tour, tuyến nhằm thu hút và giữ chân khách du lịch trong nước và quốc tế; phấn đấu đón khoảng 220.000 lượt khách trở lên, tổng doanh thu từ du lịch 140 tỷ đồng trở lên.

Được biết, hiện nay Yên Bình đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn đến khảo sát gồm: Tập đoàn Anphanam; Flamingo; Sun Group với các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Thác Bà. Các dự án này được kỳ vọng sẽ đưa du lịch vùng hồ Thác Bà cất cánh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, để triển khai được các dự án này, ngoài sự nỗ lực, đồng hành của các cấp chính quyền địa phương thì rất cần sự quan tâm tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư về các thủ tục đầu tư, xây dựng…

“Yên Bình xác định việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu du khách. Trong đó, tập trung hỗ trợ tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Lê Dũng nhấn mạnh.

TRỌNG HIẾU - KHẮC NGỌC