140 mã số vùng trồng xuất khẩu
Toàn tỉnh hiện có hơn 76,6 nghìn ha cây ăn quả lâu năm, trong đó có nhiều loại cây ăn quả đang có thế mạnh xuất khẩu. Trước đây, các nước nhưHoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với nông sản nhập khẩu. Từ năm 2023, thị trường Trung Quốc đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, yêu cầu từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói đều phải được cấp mã số mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 140 mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với tổng diện tích hơn 25nghìnha. Riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng với tổng diện tích hơn 25,2 nghìn ha các loại cây ăn quả như xoài, sầu riêng, chuối, chôm chôm, thanh long, mít…
Để đạt mục tiêu đặt ra trong việc nhân rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộnhiều giải pháp. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 73 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 6.448ha. Trong đó, tiếp tục xây dựng thêm 22 mã số vùng trồng cho cây bưởi với diện tích gần 1,7 nghìn ha; 21 mã vùng trồng sầu riêng với hơn 1,5 nghìn ha; 7 mã số vùng trồng chuối với diện tích hơn 1,5 nghìn ha, 4 mã số vùng trồng thanh long với diện tích 460ha.
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp tỉnhsẽ tập trung hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng 20 chuỗi liên kết tiêu thụ các loại nông sản xuất khẩu, trong đó có 100% diện tích cây trồng của các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khó tính
Với lợi thế là địa phương đứng đầu về diện tích trồng chuối, sầu riêng xuất khẩu thuộc top đầu cả nước, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung thực hiện xây dựng mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây tươi. Với diện tích hơn 13 nghìn ha, tổng sản lượng chuối của tỉnh Đồng Nai cung cấp ra thị trường khoảng 450 nghìn tấn/năm, trong đó xuất khẩu chiếm 80 - 85%. Tỉnh đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối, chiếm tỷ lệ 8,5% diện tích toàn quốc và 71% vùng Đông Nam bộ.
Về cây sầu riêng, toàn tỉnh hiện có trên 11,3 nghìn ha, đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 4 cả nước về diện tích cây trồng này. Hiện diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch gần 6,6 nghìn ha với dự kiến sản lượng năm 2023 đạt khoảng 69 nghìn tấn. Toàn tỉnh đã có 11 vùng trồng với diện tích 820ha được cấp mã vùng trồng. Vụ mùa năm nay, nông dân trồng sầu riêng thu lợi nhuận cao hơn từ 15 - 20 ngàn đồng/kg so với mọi năm. Dự kiến xuất khẩu 20 nghìn tấn sầu riêng, giá trị xuất khẩu mặt hàng này mang lại khoảng 50 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trong và ngoài tỉnh rất quan tâm hợp tác với nông dân, hợp tác xã nhân rộng diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng thị trường xuất khẩu trong năm 2023. Bà Hoàng Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (xã Bàu Trâm, TP. Long Khánh) chia sẻ, hiện công ty có 3 nhà máy đóng gói, sơ chế sầu riêng xuất khẩu. Trong đó, chỉ tính riêng nhà máy ở TP. Long Khánh có công suất 150 tấn/ngày, thu mua khoảng 90 nghìn tấn sầu riêng/năm. Doanh nghiệp đã xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn người dân làm mã số vùng trồng nhằm đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác. Doanh nghiệp rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng bền vững tại địa phương.
Nâng cao công tác giám sát, chuẩn hóa vùng trồng
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) Trần Thị Tú Oanh thông tin, Chi cục rất chú trọng đến công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đây là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm trái cây tỉnh nhà trên thị trường quốc tế.
Ông Trịnh Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Xuân Lập (phường Xuân Lập, TP. Long Khánh) cho hay, tham gia xây dựng mã số vùng trồng, các thành viên của HTX đều được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, nhất là kỹ thuật xử lý cho trái tròn đẹp. Xã viên rất an tâm vì đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt”.
Cũng khẳng định hiệu quả của việc xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho nông sản, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) cho biết, nhờ được cấp mã số vùng trồng nên vụ thu hoạch năm nay HTX đang xuất khẩu rất tốt mặt hàng sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều đối tác rất quan tâm đến mặt hàng bưởi da xanh nên HTX đang tìm các vùng trồng bưởi xuất khẩu có chất lượng ổn định để cung cấp đi Trung Quốc.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi trên địa bàn tỉnh, để xuất khẩu trái cây tươi bền vững, yếu tố quyết định vẫn là chất lượng. Việc này đòi hỏi trách nhiệm của nhiều phía gồm doanh nghiệp, nông dân và sự quản lý của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, nông dân phải thay đổi nhận thức về kỹ thuật canh tác, đảm bảo an toàn đến khâu thu hoạch, chỉ bán cho thương lái khi trái cây đủ độ già, đảm bảo sự đồng đều về mẫu mã và chất lượng.
Phó giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Trần Lâm Sinh cho biết, “mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật, mà ý nghĩa lớn hơn là tỉnh xây dựng được hình ảnh minh bạch, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng nông sản”.