Xây dựng không gian du lịch Thủ đô bài bản, kỹ lưỡng

- Thứ Sáu, 05/08/2022, 06:34 - Chia sẻ

Theo Sở Du lịch thành phố Hà Nội, trong giai đoạn phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố đã hình thành nhiều chuỗi sản phẩm du lịch mới, mang đậm văn hóa, tinh hoa và đặc trưng riêng của du lịch Thủ đô. 

Lượng khách du lịch tăng 3,6 lần

Theo thông tin từ Sở Du lịch thành phố Hà Nội, lượng khách du lịch tiếp tục tăng cao nên trong 7 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt trên 425.000 lượt khách, khách du lịch nội địa đạt 10,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách dịp cuối tuần Ảnh: ITN
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách dịp cuối tuần. Nguồn: ITN

Đại diện Sở Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, để tiếp tục thu hút khách du lịch đến Thủ đô, trong tháng 8.2022 Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành mở rộng thêm các sản phẩm mới, tập trung vào thế mạnh của ngành du lịch Thủ đô. Cùng với đó, tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội khảo sát các sản phẩm du lịch của một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Sở Du lịch thành phố sẽ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế. Đồng thời, triển khai cuộc thi Ảnh du lịch Hà Nội và cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022.

Có thể nhận thấy, ngành du lịch Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản trong giai đoạn phục hồi, mở cửa hậu Covid-19 với các sản phẩm đặc trưng riêng, mang đậm tính văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Các sản phẩm nổi bật có thể kể đến như: Tour đêm Hoàng thành Thăng Long, tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Tour đạp xe trải nghiệm “dấu chân làng cổ Bát Tràng”,... Đặc biệt trong thời điểm diễn ra SEA Games 31, các hoạt động kích cầu, xúc tiến du lịch được tổ chức đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến thăm và trải nghiệm tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Quy hoạch bài bản không gian phố đi bộ

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20 nghìn lượt khách đến với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, sau hơn 1 tháng triển khai Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 17.5.2022 của UBND thành phố Hà Nội về ban hành Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, UBND quận đã đánh giá tổng thể và đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng quản lý tại khu vực này.

Nhìn vào những kết quả tích cực của phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cho thấy việc xây dựng, tạo lập không gian đặc trưng thu hút du khách quốc tế và khách du lịch nội địa là cần thiết, tạo dấu ấn cũng như nét văn hóa đặc trưng vào mỗi dịp cuối tuần của Thủ đô. Ngoài phố đi bộ hồ Gươm, Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ mở thêm không gian đi bộ ở nhiều quận huyện như quận Ba Đình, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng... Theo kế hoạch, 3 quận dự kiến mở thêm phố đi bộ là quận Hoàng Mai (tại khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3, dự kiến thí điểm cuối năm 2022); quận Ba Đình (tuyến phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, dự kiến khai trương quý IV.2023) và quận Hai Bà Trưng (phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, dự kiến đầu năm 2023).

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc mở thêm phố đi bộ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, đem lại lợi ích cho cộng đồng, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm tránh mở tràn lan, gây ra tình trạng quận nào, huyện nào cũng đề xuất mở phố đi bộ. Các quận, huyện, thị xã, đã có những đề xuất, ý tưởng cho phố đi bộ nhưng cũng mới chỉ tập trung vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực,... chưa thật sự có dấu ấn riêng của mỗi địa phương. Điều này rất dễ dẫn đến việc các không gian phố đi bộ này trở thành nơi bán hàng hóa, không mang nét đặc trưng để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, tính khoa học, bài bản trong việc xây dựng, duy trì không gian phố đi bộ rất quan trọng, đặc biệt phải tránh được việc trùng lặp cho mỗi không gian phố đi bộ. Chính quyền địa phương thật sự cần cân nhắc, đo lường mọi vấn đề trước khi thực hiện triển khai thực hiện không gian phố đi bộ.

Việt Anh