Chia sẻ về tình hình, bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết: sau hơn 10 năm thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về chủ trương xây dựng nông thôn mới, đến nay, bình quân mỗi xã đạt 15,8 tiêu chí, tăng 12,2 tiêu chí/xã so với trước khi triển khai chương trình. So với thời điểm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, bộ mặt nông thôn mới và đời sống của người dân địa phương có nhiều thay đổi rõ rệt.
Hiện, tỉnh Quảng Bình có 88 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,8% tổng số xã. Dự kiến đến hết năm 2023, có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,8% số xã. Năm 2023, có 11 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang tích cực triển khai để về đích theo tiến độ đề ra; thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới đang tiếp tục triển khai để được xét, công nhận cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh cũng có 39 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 72 vườn mẫu…
Về công tác xóa đói, giảm nghèo, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Bình đặt mục tiêu duy trì mức giảm bình quân từ 1%/năm đối với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; giảm bình quân từ 4%/năm trở lên đối với tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, địa phương đặt mục tiêu cơ bản thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; trên 80% số đơn vị cấp huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Đến năm 2023, địa phương đã giảm 1,52% hộ nghèo so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 58,17% so với tổng hộ dân tộc thiểu số. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm. 71,5% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. 95,7% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Bình đã đạt được những kết quả nhất định. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, nhiều chính sách sát đúng với thực tiễn đã giúp đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc…
Sau khi trao đổi về tình hình xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Savanakhet bày tỏ mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực khác mà cả hai địa phương có thế mạnh phát triển và quan tâm đầu tư, trong đó ưu tiên lĩnh vực phát triển kinh tế.
Nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và hai tỉnh Quảng Bình - Savanakhet nói riêng, Đại diện đoàn công tác tỉnh Savanakhet mong muốn được triển khai, hợp tác trên các lĩnh vực với tỉnh Quảng Bình. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo...
Hai địa phương cũng trao đổi, chia sẻ bài học về vấn đề ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, việc bố trí nguồn vốn, ngân sách; quy định về vùng sản xuất cụ thể...