Thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế, xã hội; làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Thanh Hóa cho biết, tỉnh xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, ưu tiên lĩnh vực quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Nội dung của chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả.
Về hạ tầng số, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin đã được các doanh nghiệp đầu tư triển khai đến hầu khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, góp phần sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư và duy trì, cung cấp các phần mềm ứng dụng trong cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Nền tảng chia sẻ, tích hợp nội tỉnh (trục LGSP) hoạt động một cách thường xuyên, ổn định, đáp ứng được việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng nội tỉnh cũng như với các cơ quan trung ương.
Về dữ liệu số, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng dữ liệu mở của tỉnh, bước đầu đã cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực, phục vụ việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời, công khai, minh bạch dữ liệu của cơ quan chính quyền tới doanh nghiệp và người dân. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
Về chính quyền số, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi/nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử trong 3 cấp chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã hiện tại có hơn 85.000 tài khoản người dân, doanh nghiệp với hơn 27.662.427 lượt truy cập. Cổng dịch vụ công cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.202 dịch vụ; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,61%.
Hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được đầu tư, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn 24/7; Thanh Hóa là địa phương hoàn thành mô hình điểm về an toàn thông tin của cả nước.
Về kinh tế số, các ngành, lĩnh vực đã quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 8,28% (theo Báo cáo của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số tháng 8.2023). Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với hơn 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.
Về xã hội số, hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy hiệu quả lan tỏa phổ cập kiến thức về chuyển đổi số tới đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Người dân đã cài đặt ứng dụng VNeID trên thiết bị di động để thực hiện các giao dịch cơ bản trên môi trường số. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng thanh toán chủ yếu trong cộng đồng. Các giao dịch thanh toán với cơ quan chính quyền trong việc trả phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; thanh toán viện phí, học phí; thanh toán dịch vụ điện, nước... đã trở thành phương thức thanh toán chủ đạo của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đứng thứ 15 trong 63 tỉnh thành trên môi trường số
Giám đốc Sở Thông tin và truyền Thông, Phó Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá Đỗ Hữu Quyết cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến đầu tư, phát triển hạ tầng trong chuyển đổi số. Tỉnh xác định xây dựng chính quyền số giúp phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong chính quyền số tập trung nâng cao dịch vụ công mức độ 3-4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao mức độ hài lòng đối với người dân doanh nghiệp với việc thực hiện dịch vụ nhà nước cung cấp.
Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã công bố Bảng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện năm 2022. Theo bảng xếp hạng này, TP. Thanh Hóa vươn lên đứng đầu 27 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh về xếp hạng mức độ chuyển đổi số với điểm chỉ số cao nhất là 848,6 điểm.
Tại Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khu vực miền Trung diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao việc UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa lĩnh vực công nghệ thông tin là lĩnh vực có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để ưu tiên phát triển bên cạnh các lĩnh vực khác là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Ông Dũng cũng cho biết Thanh Hóa đứng thứ 15 trong 63 tỉnh, thành phố trên môi trường số và mong muốn đến năm 2026, tỉnh sẽ nằm trong top 10 các địa phương trên cả nước về chuyển đổi số. "Tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương miền Trung cần xác định phát triển công nghiệp thông tin và truyền thông là cơ hội để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, hiệu quả cao và bền vững hơn. Lực lượng sản xuất đang có những biến đổi to lớn từ người lao động đến tư liệu sản xuất. Sự biến đổi của lực lượng sản xuất đã kéo theo sự thay đổi, cách vận hành của nền kinh tế. Nền kinh tế truyền thống đã được thay thế một cách phổ biến bằng kinh tế số".