Đáng chú ý, việc thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp (KCN) hằng năm đều có sự tăng trưởng, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2013 đến nay, tạo động lực cho địa phương phát triển công nghiệp và tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cho thấy, nếu như trong vòng 11 năm đầu (từ năm 2001 đến năm 2012) dòng vốn FDI đầu tư vào các KCN còn khá “ì ạch” với kết quả chỉ thu hút được 9 dự án FDI vào cuối năm 2012 thì đến hết năm 2013, con số này đã tăng lên 24 dự án. Đáng nói, giai đoạn từ năm 2013 – 2016 được đánh giá là khoảng thời gian “vàng” trong thu hút đầu tư vào các KCN, bởi số dự án FDI tăng trưởng mỗi năm đạt tới hơn 17 dự án. Tốc độ này tiếp tục được duy trì cho đến nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh Thái Nguyên thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,51 triệu USD. Trong đó, 6 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nằm trong KCN và 1 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nằm trong cụm công nghiệp.
Tính đến hết tháng 6, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 135 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.688,9 triệu USD. Không những đóng góp vào kinh tế địa phương, các KCN trên địa bàn tỉnh còn giải quyết việc làm cho gần 120.000 người, với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Điển hình, có thể kể tới như dự án Khu Du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, dự án đô thị hai bên Sông Cầu và các dự án FDI phụ trợ cho Samsung đầu tư vào KCN. Các dự án FDI đã góp phần đưa Thái Nguyên từ một tỉnh chủ yếu trông chờ vào công nghiệp luyện kim, khai khoáng đã dịch chuyển sang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ.
Ngoài các dự án FDI, Thái Nguyên còn có rất nhiều dự án đầu tư trong nước có quy mô lớn. Đơn cử, với tổng số vốn hơn 10 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Masan đã đầu tư khai thác, chế biến von-fram tại mỏ Núi Pháo, đóng góp hiệu quả cho kinh tế tỉnh Thái Nguyên. Nhiều dự án lớn nhỏ khác như Dự án Nhiệt điện An Khánh, Dự án Hồ Núi Cốc… cũng đã góp phần quan trọng giúp Thái Nguyên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư công nghiệp phía Bắc.
Ông Hoàng Thái Cương - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư, tỉnh đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình trao đổi, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và giữa các cơ quan đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ để góp phần giảm thời gian hội họp, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng, hiệu suất công việc...
Đối với các dự án đang triển khai theo kế hoạch, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cấp huyện làm việc trực tiếp với nhà đầu tư để thống nhất các nội dung liên quan về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai cụ thể.