Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến chè

- Thứ Năm, 09/03/2023, 10:43 - Chia sẻ

Bên cạnh việc đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt với Thái Nguyên, địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô diện tích chè thì tăng tốc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè là hướng đi rất quan trọng và đúng đắn.

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh chè

Thái Nguyên có gần 21 nghìn ha chè, cho sản lượng gần 193 nghìn tấn/năm. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 77 HTX chè, 38 doanh nghiệp, 230 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, trong đó, khoảng 80% đơn vị đã được tiếp cận, thực hiện ứng dụng công nghệ số trong một số công đoạn trồng, chăm sóc chè (tưới, bón phân, quản lý mã vùng trồng....); khâu chế biến (quy trình chế biến, đóng gói...); khâu tiêu thụ (truy xuất nguồn gốc, quản lý bán hàng, thương mại điện tử...).

Những lợi ích thiết thực từ việc ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số càng được khẳng định hơn nữa sau 3 năm (2019-2021) thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, toàn tỉnh có 66,67% sản phẩm chè được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.

Được thành lập vào năm 2018, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên sản xuất chè hữu cơ. Hợp tác xã chè Khe Cốc nổi tiếng với các dòng sản phẩm đa dạng như: Chè đinh, chè tôm nõn, chè móc câu, chè túi lọc, kẹo trà xanh, các loại bột trà matcha... Các sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và ký hợp đồng xuất khẩu với một số nước như Nhật Bản, Ba Lan, Ý và tiếp đến là Cộng hòa Séc.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc Tô Văn Khiêm cho biết, những năm gần đây, để nâng cao chất lượng sản phẩm và bắt kịp xu hướng thị trường thời 4.0, Hợp tác xã đã tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, quan tâm đổi mới và nâng cao tính thẩm mỹ cho bao bì, nhãn mác của sản phẩm; lắp đặt các hệ thống thiết bị tưới nước tự động, thực hiện mô hình sản xuất chè khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm,... Cơ sở còn là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần dùng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để quét qua đó thì có thể biết rõ được ngày sản xuất, địa chỉ, tiêu chuẩn chất lượng cùng những thông tin liên quan.

Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến chè -0
Hợp tác xã chè Khe Cốc là một trong những đơn vị đầu tiên của Thái Nguyên thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc

Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất, công nghệ máy móc hiện đại và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm của Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc được nâng lên đáng kể, lợi nhuận bình quân đạt tới 80-100 triệu đồng/ha/năm. HTX hoạt động ổn định, tạo được việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động, đảm bảo nguồn thu, cải thiện đời sống cho lao động địa phương; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại huyện Phú Lương.

Còn tại Hợp tác xã chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ) đã nhân rộng vùng sản xuất chè theo hướng hữu cơ, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè. Hiện cây chè được sản xuất theo hướng hữu cơ đã khẳng định được chất lượng. Giám đốc Hợp tác xã chè Thịnh An Vũ Thị Thương Huyền cho biết, trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, bên cạnh việc bán hàng truyền thống, Hợp tác xã đã được tập huấn về chuyển đổi kỹ thuật số, hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nên doanh số trên kênh bán hàng online bắt đầu phát triển. Chuyển đổi công nghệ cũng giúp người làm chè quản lý hiệu quả hơn việc sản xuất và tiêu thụ bằng thiết bị. Cùng với sử dụng mã QR-Code, người tiêu dùng đã an tâm hơn khi có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở sản xuất. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, khách hàng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá thành phù hợp. 

Liên kết cung ứng tiêu thụ các sản phẩm chè

Theo Sở NN-PTNT Thái Nguyên, tỉnh đã cung cấp gần 2 triệu tem truy xuất nguồn gốc nông sản cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khoảng 80% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất minh bạch nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh việc hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngành nông nghiệp còn là cầu nối giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã chè tham gia hội chợ triển lãm, hội chợ sản phẩm OCOP; hỗ trợ quảng bá sản phẩm chè của tỉnh qua các kênh thông tin điện tử; tạo ra các hợp đồng liên kết cung ứng tiêu thụ các sản phẩm chè của doanh nghiệp, hợp tác xã. 

Có thể thấy, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè là xu hướng tất yếu nhằm từng bước giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên đây chỉ mới là những bước đi ban đầu hướng đến chuyển đổi số trong nông nghiệp của hợp tác xã. Hạn chế, khó khăn lớn nhất vẫn là đa số thành viên tham gia xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học - công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất nên việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay các sàn giao dịch thương mại điện tử chưa nhanh, dẫn đến tình trạng không đủ hàng hóa xuất ra thị trường, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. 

Đại diện Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam (VCU) Vũ Hoàng nhận định, để việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất chè ngày càng đồng bộ, hiệu quả, các cơ sở, đơn vị và hộ cá nhân trong tỉnh Thái Nguyên mong muốn được hỗ trợ về vốn để thêm kinh phí mua máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến chè. Đồng thời mong muốn Nhà nước triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất chè theo hướng hữu cơ, theo các tiêu chuẩn hữu ích như VietGAP, Global Gap; đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá cho người lao động. Đặc biệt là thúc đẩy các nội dung về xúc tiến thương mại, bảo hộ kinh doanh đa phương với thế giới thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm an toàn và hiệu quả.

Trang Nhung
#