Tỉnh uỷ Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 34 - khóa XI (mở rộng) với việc xem xét, cho ý kiến về đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết, Bình Dương đã bám sát Luật Quy hoạch, lấy Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Quy hoạch vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm nền tảng và kim chỉ nam để xây dựng quy hoạch.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bình Dương là địa phương đặt biệt chú trọng đến định hướng liên kết vùng và đưa nội dung này vào đồ án quy hoạch, đặt tỉnh trong mối tương quan về lợi ích để khai thác tối đa lợi thế so sánh trong vùng.
Đồ án quy hoạch định hình không gian phát triển tỉnh Bình Dương thành 3 vùng động lực. Vùng đô thị cửa ngõ (TP. Thuận An, TP. Dĩ An) với chức năng là đô thị thông minh, hiện đại, thật sự là nơi đáng sống và là trung tâm kinh tế - tài chính cho cả vùng Đông Nam bộ. Do đó, nhiệm vụ chính là nâng cấp, tái thiết, chỉnh trang đô thị.
Vùng lõi trung tâm (TP. Thủ Dầu Một, TP. Tân Uyên, TP. Bến Cát, huyện Bàu Bàng) với chức năng là vùng lõi của đô thị thông minh, dựa trên phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ thế hệ mới; là cực tăng trưởng, vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là hình thành khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung, để từng bước hình thành công viên khoa học - công nghệ của tỉnh và định hình phát triển cho các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ chất lượng cao; thu hút các ngành nghề sản xuất điện, điện tử, chíp, công nghệ bán dẫn.
Vùng đô thị phía Bắc (huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên) với chức năng là vùng dự trữ xanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với du lịch sinh thái và phát triển công nghiệp xanh, sinh thái; là vùng vệ tinh của tỉnh sau khi đã lấp đầy ở vùng trung tâm gắn với di dời công nghiệp từ phía Nam lên.
Về định hướng không gian phát triển công nghiệp, từ nay đến năm 2030 Bình Dương đã quy hoạch định hướng khoảng 18.500ha đất đô thị công nghiệp và cần khoảng 18.000-20.000ha cho phát triển đô thị, dịch vụ dọc các đường vành đai, cao tốc để hình thành hành lang kinh tế cho cả vùng từ cửa khẩu Tây Ninh - cảng Cái Mép và sân bay quốc tế Long Thành.
Định hình hành lang sinh thái: sông Đồng Nai và hành lang sinh thái dọc sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng để phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại chất lượng cao.
Định hình không gian phát triển cho các lĩnh vực: văn hóa, thể dục - thể thao, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ là hình thành khu liên hợp với khoảng 1.500ha tại huyện Bàu Bàng, với chức năng tổ chức các sự kiện mang tầm vóc quốc gia, nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế cho cả vùng, theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ.
Từ các định hướng không gian phát triển và các ngành lĩnh vực quan trọng sẽ đóng góp vào mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 10%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị công phu, bài bản, trải qua nhiều vòng góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và định hướng phát triển. Các sở ngành đã bám sát lĩnh vực quản lý để rà soát các nội dung đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Đến nay, quy hoạch đã cơ bản hoàn thành về mặt nội dung, trình Tỉnh ủy thông qua và tiếp tục hoàn thiện trình HĐND tỉnh Bình Dương thông qua. Trên cơ sở đó, hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6.2024.
Dự kiến tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 7.2024, gắn với thu hút đầu tư và khởi công dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bình Dương).