Quy hoạch đồng bộ, duy trì mục tiêu phát triển
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Ngọc Linh cho biết, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt (quy hoạch), Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.
Tỉnh sẽ duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách cao nhất cả nước; phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Tạ Quốc Trung, tỉnh sẽ phát triển và hiện đại hóa các đô thị vệ tinh, đóng vai trò hạt nhân phát triển, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng ngoại thành, vùng ven biển và khu vực nông thôn với 8 đô thị loại V là Ngãi Giao, Kim Long (huyện Châu Đức); Hòa Bình, Phước Bửu, Bình Châu, Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc); Đất Đỏ, Phước Hải (huyện Đất Đỏ) và một đô thị sinh thái biển đảo (huyện Côn Đảo).
Đến nay, về cơ bản tất cả đô thị đều được lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng; các khu chức năng chính trong đô thị đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, đồng thời từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, làm cơ sở quản lý đô thị theo quy hoạch.
Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản, ngay sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt lãnh đạo huyện Châu Đức đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban đẩy nhanh tiến độ lập một số quy hoạch đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh.
Đến nay, huyện Châu Đức có 2 đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 là thị trấn Ngãi Giao và đô thị Kim Long. Theo đó, thị trấn Ngãi Giao hướng đến việc tổ chức không gian đô thị tập trung các công trình khu vực lõi như khu trung tâm hành chính, công viên, quảng trường, các công trình giáo dục, công trình di tích hiện hữu...
Đô thị Kim Long sẽ phát triển khu du lịch hồ Tầm Bó, lòng chảo Kim Long, bảo vệ khu vực hồ cấp nước Kim Long; hình thành mạng lưới giao thông chính kết nối liên vùng, liên huyện và khép kín của khu vực…
Tại thị xã Phú Mỹ, địa phương đang tập trung hoàn thiện xây dựng quy hoạch đô thị để trở thành thành phố cảng trong tương lai; huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền cũng đang gấp rút triển khai các đồ án điều chỉnh quy hoạch đô thị Long Hải, Long Điền, Phước Hải, Phước Bửu, Hồ Tràm, Bình Châu, Hòa Bình... để đáp ứng sự phát triển đô thị trong kết nối liên vùng, liên huyện, phát huy vai trò chức năng của đô thị biển, đô thị du lịch mà quy hoạch chung của tỉnh đã định hướng.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 sẽ có 24 khu công nghiệp
Theo quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 24 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 16.052ha và đất KCN phân bổ chỉ tiêu sử dụng là 10.755ha.
Ngoài 13 KCN đang hoạt động, tỉnh có KCN Dầu khí Long Sơn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 2 KCN đang làm thủ tục đầu tư; 7 KCN vừa được thêm vào quy hoạch.
Định hướng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51.
Dựa trên vùng chức năng được xác định rõ, ngoài 2 KCN tại TP Vũng Tàu (Đông Xuyên và dầu khí Long Sơn) và Đất Đỏ (Đất Đỏ 1), toàn bộ vùng phát triển KCN của tỉnh sẽ nằm tại Phú Mỹ và Châu Đức.
Cùng với đó, dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4, TP. Hồ Chí Minh hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; hình thành các KCN công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (Châu Đức); khu logistics dọc Vành đai 4; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.
Các KCN trong trục động lực này thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiên tiến: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; sản xuất phương tiện vận tải; dược phẩm, chế phẩm sinh học…
Theo Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Lê Viết Phúc, quy hoạch các KCN nằm trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng định hình không gian phát triển cho một trong 4 trụ cột kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu (4 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Hết năm 2023, tỉnh cấp mới chủ trương đầu tư 30 dự án và có 570 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Nguồn vốn trong nước 286 dự án, tổng trị giá hơn 141 nghìn tỷ đồng và hơn 1 tỷ USD; đầu tư nước ngoài 284 dự án, vốn 13,855 tỷ USD.
Trong đó, có nhiều dự án lớn từ Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản… Tổng diện tích đất thuê khoảng 3.425ha, đạt tỷ lệ lấp đầy số KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng 66,63%.
Việc nguồn vốn năm 2023 tăng trưởng tốt về cả chất và lượng so với năm trước, nổi bật như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 thu hút được dự án sản xuất sợi carbon sử dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với vốn đăng ký 540 triệu USD là tín hiệu tốt, cho thấy Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tiếp tục là điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Ngọc Linh khẳng định, trong thời gian qua tỉnh luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.
Trong năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước cấp mới và tăng thêm hơn 50.681 tỷ đồng (trong đó vốn FDI gần 1,4 tỷ USD, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước).
Trong quý I/2024, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 23 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư thu hút đạt 62.345,1 tỷ đồng, đạt 90,82% so với kế hoạch năm 2024; tăng gấp 6,88 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1.556 triệu USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25 nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I/2024, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 1.156 dự án đầu tư của doanh nghiệp còn hiệu lực, trong đó có 465 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 33,1 tỷ USD và 691 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 397.089 tỷ đồng.