Những tín hiệu khởi sắc
Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, chỉ tính trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh đã đón trên 800.000 lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường khách quốc tế khởi sắc với gần 109.000 lượt khách. Các điểm đến văn hóa tâm linh của tỉnh tiếp tục là trọng điểm với lượng khách đến tăng từ 6 - 8 lần so với ngày thường. Riêng Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, từ ngày 9 - 14.2 (tức ngày 30 đến mùng 5 Tết), đơn vị đã đón gần 80.000 lượt khách hành hương, tham quan, chiêm bái. Dự kiến trong quý I.2024, lượng khách hành hương đến Quảng Ninh đạt trên 2 triệu lượt, cao điểm vào các ngày cuối tuần hoặc khai hội tại các đền, chùa.
Không chỉ các địa điểm tâm linh hút khách du lịch, ngay trong ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, Quảng Ninh đã đón nhiều đoàn khách lớn từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc đến “xông đất”. Đặc biệt, vào ngày 13.2 (tức ngày mùng 4 Tết), tỉnh tiếp tục đón tàu biển Zhao Shang Yi Dun chở 600 du khách đến từ Trung Quốc cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đây là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trong năm mới Giáp Thìn 2024.
Đặc biệt, trong ngày 21.2 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ đón và chào mừng 11 đội đua thuyền buồm vòng quanh thế giới (Clipper Round The World Race - Clipper Race) mùa giải 2023 - 2024 đến với vịnh Hạ Long. Việc trở thành một phần của sự kiện thể thao quốc tế này là cơ hội lớn để Hạ Long, Quảng Ninh quảng bá hình ảnh du lịch ra thế giới; đồng thời, thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Cùng với lượng khách liên tục tăng, các địa phương đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để tăng sức hấp dẫn và tạo nên những trải nghiệm mới lạ cho du khách. Sở Du lịch cũng phối hợp với UBND các địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch; ngăn chặn tình trạng kinh doanh du lịch, lữ hành trái phép, lừa đảo, trục lợi, chèo kéo, nài ép khách du lịch vào dịp cao điểm; giám sát các chương trình kích cầu, khuyến mại du lịch...
Hiện thực hóa mục tiêu đón 17 triệu lượt khách
Năm 2024, Quảng Ninh dự kiến đưa vào khai thác 62 sản phẩm du lịch được phát triển dựa trên định hướng đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Trọng tâm mở rộng không gian du lịch tại khu vực vịnh Bái Tử Long và các khu vực biển đảo trên địa bàn. Các sản phẩm du lịch được xây dựng có mức độ hấp dẫn khác nhau, phù hợp với nhu cầu của du khách từ các thị trường mục tiêu của tỉnh.
Trong đó, khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long sẽ có 11 sản phẩm với các dịch vụ tàu tham quan, lưu trú có hành trình từ vịnh Hạ Long đến vịnh Bái Tử Long; chú trọng phát triển các tour tuyến tham quan lưu trú trên vịnh Bái Tử Long; tổ chức các dịch vụ vui chơi; giải trí dưới nước; sản phẩm du lịch văn hóa; trải nghiệm nuôi cấy, chế tác ngọc trai; chèo đua thuyền rồng truyền thống trên vịnh Hạ Long. Ngoài ra, các địa phương cũng tích cực đưa ra các sản phẩm du lịch mới. Riêng tại TP. Hạ Long đưa ra 9 sản phẩm. Còn tại huyện Cô Tô dự kiến có 7 sản phẩm khai thác tối đa lợi thế biển đảo, các khu vui chơi giải trí, du lịch chữa lành...
Theo UBND tỉnh, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tập trung khai thác tối đa tiềm năng du lịch 4 mùa, gia tăng trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách. Qua đó, từng bước đưa du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến “Kỳ quan 4 mùa” trong phát triển du lịch của cả nước. Đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu đón 17 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh.
Để các sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành địa phương và đơn vị liên quan chủ động xác định lộ trình, nhiệm vụ cần thiết để đưa các sản phẩm này vào hoạt động trong năm 2024. Đồng thời, hoạch định các phương án liên kết, xúc tiến, quảng bá khai thác; tạo thêm các dịch vụ bổ sung, tăng sức hút cho điểm đến, kết nối các dịch vụ để hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Nguyễn Huyền Anh cho biết, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng để giảm chi phí, hạ giá thành. Đồng thời, sẽ mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố…