Năng lực nội tại của các HTX còn yếu
Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18.3.2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, kinh tế tập thể của huyện Thăng Bình đã có chuyển biến tích cực.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết Trung ương, các văn bản hướng dẫn về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đến toàn thể cán bộ, đảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý các HTX. Qua đó, số lượng tổ hợp tác, HTX ngày càng tăng. Hiện nay toàn huyện có tổng số 63 HTX đang hoạt động (trong đó, 55% HTX hoạt động hiệu quả), doanh thu bình quân hằng năm đạt trên 900 triệu/HTX/năm và khoảng 100 tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn huyện, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực.
Tuy nhiên, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng lực nội tại của tổ hợp tác, HTX còn yếu, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, công nghệ lạc hậu, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, hiệu quả hoạt động chưa cao. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn yếu; chưa có mô hình HTX điển hình tiên tiến; nhận thức về tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập còn rất hạn chế. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn.
Đảm bảo 60-70% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại khá, tốt
Xác định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong điều kiện hiện nay, Huyện uỷ vừa ban hành Nghị quyết số 07 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2023-2030 và định hướng đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2023-2030 sẽ thành lập mới khoảng từ 45-50 tổ hợp tác, 30-35 HTX, 1 liên hiệp HTX. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 5-6%/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 3-5%/năm; lãi bình quân của HTX tăng khoảng 3-5%/năm. Phấn đấu đảm bảo khoảng 60-70% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động đạt loại khá, tốt; trong đó, có khoảng 50% tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Phấn đấu khoảng 30% HTX ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, huyện Thăng Bình tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tập trung chính vào các giải pháp thúc đẩy nâng cao năng lực nội tại hoạt động của kinh tế tập thể; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập về đất đai, thuế, tín dụng... cho HTX; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các HTX trong việc định hướng về phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng và quyết toán kinh phí hoạt động hàng năm.
Củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, giải thể các HTX ngừng hoạt động, sáp nhập, hợp nhất các HTX yếu kém. Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn.
Trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể; có cơ chế ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể đã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả. Ngoài kinh phí được ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ, HĐND huyện Thăng Bình xem xét bố trí ngân sách huyện hỗ trợ kinh phí dự án đầu tư phát triển kinh tế tập thể, HTX.