Quảng Bình: Sử dụng thiết bị bay không người lái vào gieo cấy vụ Đông Xuân

- Thứ Hai, 05/02/2024, 18:10 - Chia sẻ

Bằng việc ứng dụng thiết bị bay không người lái, nhiều nông dân tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã cắt giảm được nhiều chi phí. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, từng bước chuyển sản xuất từ số lượng sang chất lượng, theo chuỗi giá trị…

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân các địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành công đoạn gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024. Trong đó, lần đầu tiên người nông dân tại thôn Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) được hỗ trợ khâu gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái, mang đến những hiệu quả bất ngờ.

Quảng Bình: Sử dụng thiết bị bay không người lái trong gieo cấy vụ đông xuân 2023-2024 -0
Thiết bị bay không người lái giúp người nông dân giảm lượng giống và thời gian gieo sạ

Anh Trần Duy Khánh, một hộ nông dân liên kết sản xuất trong mô hình cho biết: Việc thử nghiệm và trực tiếp theo dõi quá trình gieo sạ, bón phân bằng thiết bị bay không người lái giúp tiết kiệm thời gian cũng như sử dụng giống ít hơn so với gieo cấy truyền thống. “Gieo sạ theo cách truyền thống sẽ cần khoảng 5 kg giống/sào, còn nếu gieo sạ bằng thiết bị không người lái chỉ cần chưa đến 4 kg/sào”, anh Trần Duy Khánh chia sẻ. 

Được biết, mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 dùng để gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật được triển khai thực hiện trên diện tích 22ha lúa tại thôn Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy). Các hộ dân tham gia mô hình liên kết sẽ được hỗ trợ giống lúa chất lượng cao Hương Bình, sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Quảng Bình: Sử dụng thiết bị bay không người lái trong gieo cấy vụ đông xuân 2023-2024 -0
Sử dụng thiết bị bay không người lái trong vụ Đông Xuân tại xã Xuân Thủy. Ảnh: Ngọc Hải

Việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp giúp việc gieo sạ, bón phân… diễn ra nhanh hơn, đều hơn, lượng giống ít hơn gieo cấy truyền thống; đồng thời giải phóng sức lao động cho người nông dân khi cắt giảm các khâu gieo, tỉa dặm, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... bằng sức người. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, từng bước chuyển sản xuất từ số lượng sang chất lượng, theo chuỗi giá trị…

Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 29.260 ha lúa. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã gieo cấy được hơn 28.600 ha lúa. Trong đó, các huyện: Lệ Thủy 9.800 ha; Quảng Ninh 5.100 ha, Bố Trạch 5.000 ha; Quảng Trạch 3.403 ha, Minh Hóa 427 ha; Tuyên Hóa 1.435 ha; thị xã Ba Đồn 2.606 ha và TP. Đồng Hới 845 ha.

Giống lúa cơ cấu chính bao gồm: VNR20, Nhị Ưu 838, VN20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6...và giống có triển vọng là ADI28, LTh31, SV181, Bắc Thịnh, QC03, Hương Bình, ĐB6, HC4, Tân Ưu 98...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Văn Minh: Tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 4.000 - 5.000 ha lúa sử dụng thiết bị bay không người lái trong chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Bên cạnh đó, với mục tiêu hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với chuyển đổi số, địa phương đang tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến trên các nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực; nâng cao hiệu quả sản xuất hữu cơ, giá trị sản phẩm hữu cơ; tăng tỷ lệ phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục cho phép sử dụng...

Khánh Trinh
#