Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Bình là 1 trong 6 địa phương vùng Bắc Trung Bộ được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải carbon vùng theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả tín chỉ carbon cho đối tượng rừng tự nhiên với số tiền hơn 235 tỷ đồng, cao thứ 2 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Qua quá trình thực hiện, đến nay, địa phương đã chi trả hơn 72,4 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch, trong đó, chi trả cho các đối tượng hưởng lợi 72,3 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch và chi trả cho hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình hơn 100 triệu đồng, đạt 4,1% kế hoạch.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Đình Hiệp, qua quá trình triển khai thực hiện chi trả cho thấy, nguồn thu từ bán tín chỉ carbon đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng; việc triển khai thực hiện chi trả tiền bán tín chỉ carn bon còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Với tính ưu việt nổi bật và đặc điểm mới mẻ, tiền bán tín chỉ carbon trong thời gian qua đã góp phần động viên người dân, các hộ gia đình trong việc kết hợp giữ rừng và bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, cũng xuất phát từ đặc tính là nguồn kinh phí mới vừa được thí điểm và thực hiện, do đó việc chi trả tiền bán tín chỉ carbon sau gần nửa năm thực hiện vẫn đang gặp một số vướng mắc, khiến kinh phí có nhưng không thể chi trả.
Trao đổi tại Hội nghị thống nhất một số nội dung trọng tâm của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Đình Hiệp cho biết, trong thời gian quan, việc chi trả tiền bán tín chỉ carbon được thực hiện theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn một số vướng mắc, khó nhăn.
Cụ thể, tại Nghị định quy định chi phí triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách hiện hành, thông qua các chương trình, dự án.
“Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết.
Thực tế, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, phần lớn diện tích rừng của Ban đã khoán cho người dân bảo vệ từ “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030,” giai đoạn 1 với số tiền 400.000 đồng/ha/năm. Do đó, bà con không thể nhận thêm hỗ trợ trong số tiền bán tín chỉ carbon dù đơn vị đã nhận 8,2 tỷ đồng từ kinh phí bán tín chỉ.
Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, Nghị định 107 quy định về đối tượng cộng đồng dân cư có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức. Trong khi đó, thực tế tại tỉnh Quảng Bình, diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào. Đây là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống.
Do đó, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư. Việc này sẽ làm ứ đọng nguồn kinh phí bán tín chỉ carbon từ phần rừng tự nhiên kể trên.
Đây là nội dung đã vướng mắc kể từ khi ngành nông nghiệp và một số đơn vị liên quan bắt thay vào thực hiện theo quy định; do đó, các đơn vị kỳ vọng sớm có trao đổi tại nghị trường Kỳ họp thứ Bảy, hướng đến những hướng dẫn, quy định mới có thể khơi thông nguồn kinh phí và thực hiện hiệu quả việc chi trả kinh phí từ bán tín chỉ carbon đúng người, đúng đối tượng và khuyến khích việc phát triển rừng một cách bền vững.