NGHỆ AN

Phát triển hạ tầng cảng biển, logistics

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 06:28 - Chia sẻ

Với lợi thế có thể vận chuyển được mặt hàng siêu trường, siêu trọng và giá cước rẻ, vận tải thủy và đường biển trở thành kênh vận tải hàng hóa được ưa chuộng. Tuy nhiên, tại Nghệ An do hạ tầng yếu kém, nhất là dịch vụ logistics còn hạn chế, bất cập nên chưa phát huy hiệu quả. để giải bài toán đó, tỉnh đã ban hành đề án nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025.

Mất dần lợi thế cạnh tranh

Cảng Cửa Lò nói riêng và các cảng trực thuộc Cảng Nghệ Tĩnh nói chung là đơn vị tham gia khá sớm vào dịch vụ vận tải biển và ít nhiều tạo được lợi thế so với các cảng trong khu vực. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang cơ chế mới, do không có lợi thế là cảng nước sâu tự nhiên và nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng hạn chế nên sức cạnh tranh bị suy giảm đáng kể. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trong 5 năm lại đây, sản lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng khu vực miền Trung ngày càng lớn nhưng phần tăng nhanh chủ yếu thuộc về cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh); cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), và Quy Nhơn với chỉ số tăng trưởng 18 - 20%/năm, trong khi cảng Cửa Lò chỉ tăng gần nửa nên khoảng cách về doanh thu và lợi nhuận ngày càng bị nới rộng.

Phát triển hạ tầng cảng biển, logistics -0
Cảng chuyên dùng xi măng The Vissai tại Nghi Thiết

Đại diện một doanh nghiệp vận tải thủy tại cảng Cửa Lò cho biết: Do hạ tầng và dịch vụ kho bãi, logistics còn nhiều hạn chế nên năng lực cải biển Nghệ an rơi vào tình trạng “đi trước về sau”. Năng lực bốc dỡ bất cập, luồng lạch bị bồi lắng khiến tàu có tải trọng lớn khó ra/vào, quay trở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về kho bãi hoặc trên container nên số tàu và hàng hóa xuất/nhập qua tăng ít. Điều này dẫn đến doanh thu, lợi nhuận không tăng và do không có lợi nhuận nên thiếu nguồn lực để tái đầu tư hoặc khó thu hút đầu tư vào xây dựng hạ tầng, trang thiết bị tại cảng.

Cũng theo phản ánh của một số doanh nghiệp thì cảng quốc tế nhưng chất lượng phục vụ tại cảng Cửa Lò chưa thực sự chuyên nghiệp khi còn thiếu Trung tâm đầu mối làm dịch vụ logistics để kết nối giữa các doanh nghiệp, nhất là vận tải quốc tế với cảng để hướng dẫn, lo thủ tục ra vào cảng thuận lợi, tin cậy.

Tính toán lộ trình, huy động nguồn lực

Trước những bất cập, hạn chế trên, ngày 27.8.2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 496/KH nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Nghệ an đến năm 2025. Theo đó, Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP ở mức khá khu vực Bắc Trung bộ và tăng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics và giảm chi phí sử dụng các dịch vụ logistics; thu hút và xã hội hóa việc đầu tư kết cấu hạ tầng logistics, huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước để phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, kho bãi và đường bộ.

Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Hoàng Minh Tuấn cho biết, với bản Kế hoạch này, Nghệ An đã tính toán, hoạch định dài hơi nhằm hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và vận tải biển của tỉnh. Vấn đề là cần tính toán lộ trình để huy động, ưu tiên nguồn lực để xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu để đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt.

Để hoàn thiện hạ tầng cảng biển, kết nối với đường sắt và đường bộ, đường hàng không, Nghệ an cần nguồn lực gần 20.000 tỷ đồng, trong đó hạng mục chính là xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò để tàu trên 30.000 tấn cập bến được; Trung tâm logistics tại Khu Kinh tế đông Nam 20ha; đầu tư xây dựng ga đường sắt Nghi Long; mở rộng cảng hàng không quốc tế Vinh; hoàn thiện đường Cao tốc Bắc - Nam phía đông qua Nghệ An, hoàn thành Quốc lộ ven biển từ Nghi Sơn - Cửa Lò…

Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương là sự đồng hành, vào cuộc của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp làm kho bãi logistics cũng phải nâng cao năng lực phục vụ; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất, cung cấp dịch vụ logistics khép kín. Trong lúc chờ các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics quy mô lớn, có năng lực kinh nghiệm vào đầu tư, thì hơn ai hết, các doanh nghiệp đang làm dịch vụ logistics của tỉnh là đầu mối hiểu rõ quy trình thủ tục bốc dỡ hàng hóa qua cảng nên cần mạnh dạn đứng ra kết nối làm dịch vụ.

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI