Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 499 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 393 hợp tác xã nông nghiệp, thu hút 376.813 thành viên là cá nhân, hộ gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 7.525 lao động. Các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Toàn tỉnh có 79 hợp tác xã trồng trọt, thủy sản, chế biến sản phẩm, tiểu thủ công nghiệp, dệt may thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, trong đó mô hình hợp tác xã kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị có 48 chuỗi. Các tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hiện nay có 1.029 các tác nhân, gồm 935 hộ nông dân, 69 hợp tác xã và 23 doanh nghiệp.
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, đã có tổng số 110 sản phẩm OCOP của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được phân hạng (108 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao) chiếm tỷ trọng 26% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 20 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động của các hợp tác xã đã góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh, thể hiện rõ nét ở công tác tổ chức sản xuất theo quy hoạch gắn với liên kết chuỗi giá trị tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là gạo chất lượng cao hữu cơ Nam Định, sản phẩm thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ gồm đan rọ cói, dệt khăn... Hiện có 1 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp của tỉnh là đầu mối kết nối sản xuất gắn với chuỗi giá trị chế biến, tiêu thụ lúa gạo với trên 30 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên, trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các hợp tác xã còn chú trọng bảo vệ môi trường nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Các hợp tác xã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh.
Định hướng sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu
Đặc biệt, 13 hợp tác xã hoạt động chuyên trong lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, giúp cho ngày càng nhiều người dân được sử dụng nước sạch. Nhằm phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả.
Theo đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Nhiều hợp tác xã được hỗ trợ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương với các đối tác trong và ngoài tỉnh như: Hợp tác xã thanh niên Bách Cốc; thanh niên Nam Đại Dương; nông sản sạch Hải Hậu; chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái.
Hàng năm, Liên minh hợp tác xã tỉnh còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2023, thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã của Chính phủ, căn cứ vào nguồn kinh phí phân bổ từ ngân sách Trung ương, tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý hợp tác xã với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 42 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn 65 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện và thành phố với trên 42 nghìn thành viên. Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đã có những đóng góp tích cực hỗ trợ vốn cho các hộ thành viên ở khu vực nông thôn phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, các hợp tác xã trong tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua hợp tác xã chung sức xây dựng nông thôn kiểu mẫu nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, duy trì, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP, phấn đấu năm 2024 có 50 sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên.