Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường

- Thứ Ba, 29/11/2022, 05:01 - Chia sẻ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và người dân, trong đó, không thể thiếu vai trò hết sức quan trọng của các tổ chức tôn giáo. Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thành phố đã xây dựng, duy trì nhiều mô hình, cách làm hiệu quả để bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với giáo dân, phật tử và người dân ở cộng đồng.

Xây dựng nhiều mô hình phù hợp

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, 5 năm qua, Chương trình phối hợp, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu với 5 nội dung, 7 mục tiêu đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, trên nhiều phương diện. Theo đó, các tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

TP. Hồ Chí Minh phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường. Nguồn: ITN
TP. Hồ Chí Minh phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường. Nguồn: ITN

Thống kê cho thấy, đến nay, cả nước đã có hơn 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, các chức sắc tôn giáo cũng khởi xướng và triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường. Điển hình như mô hình “Giáo họ xanh, sạch đẹp”, “Khu dân cư - Họ đạo không rác”, phong trào “15 phút vì thành phố văn minh - sạch đẹp”; trồng cây xanh, hoa cảnh; xóa bãi rác làm vườn hoa; tổ chức dọn vệ sinh các tuyến đường, khơi thông cống rãnh vào ngày cuối tuần; sử dụng vật liệu tre nứa, giấy thay cho các sản phẩm từ nhựa…

Đơn cử như Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm (quận Phú Nhuận) đã cho ra mắt “Tổ tình nguyện vì môi trường xanh”, nhằm tuyên truyền, vận động các tín đồ tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu với đời sống con người. Các hoạt động như nhặt rác kết hợp với tuyên truyền giữ gìn bảo vệ môi trường của “Tổ tình nguyện vì môi trường xanh” đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức của người dân.

Hay nhiều năm nay, các tăng ni chùa Long Hoa (quận 8) cũng thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương và hàng trăm phật tử tổ chức thả các loại cá thích ứng với môi trường nước như các trê, cá lóc… số lượng từ 5.000 đến 20.000 con cá/đợt. Hành động này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ nguồn nước bằng những hành động thiết thực như không xả rác xuống hệ thống kênh rạch; tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư về ý thức bảo vệ môi trường.

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, kiểm soát được ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế là một yêu cầu bức thiết đối với ngành môi trường TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND Thành phố trong các chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, uy tín của các tôn giáo trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã ký kết với các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Bên cạnh những giải pháp về công trình, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định những vấn đề liên quan như tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường là vấn đề cốt lõi và thiết yếu. Sau khi ký kết với các tôn giáo, Sở nhận thấy, đã có những sự chuyển biến lớn trên địa bàn trong việc xây dựng chất lượng sống tốt hơn cho Thành phố; xây dựng những khu dân cư mới xanh, sạch, đẹp, góp phần thay đổi diện mạo đô thị” - Nguyễn Thị Thanh Mỹ thông tin.

Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, 32 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố đã tích cực vận động người dân tham gia công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình là cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19/20218 của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Các cam kết tham gia bảo vệ môi trường của các tổ chức tôn giáo được thực hiện nghiêm túc với nhiều cách làm sáng tạo để vận động tín đồ, người dân hưởng ứng tham gia.

Để thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan Mặt trận các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, TP. Thủ Đức cùng các tổ chức tôn giáo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, nội dung cụ thể, tránh chỉ nêu chung chung. Sở Tài nguyên và Môi trường cần biên soạn, phát hành kịp thời các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các tôn giáo; phát hiện nhiều mô hình, công trình hơn nữa để tuyên truyền, nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Thanh Điểu