Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết: Báo cáo PCI và PGI 2023 là ấn phẩm thường niên do VCCI thực hiện nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững hơn tại Việt Nam. Báo cáo này nằm trong khuôn khổ Dự án Sáng kiến PGI 2023-2028 với sự đồng hành của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các đối tác tư nhân tại Việt Nam.
Qua kết quả điều tra gần 11.000 doanh nghiệp trên cả nước, báo cáo PCI và PGI 2023 công bố bảng xếp hạng các địa phương đứng đầu về chất lượng điều hành kinh tế theo đánh giá của doanh nghiệp. Kết quả PCI gốc cho thấy, năm thứ 7 liên tiếp điểm số ở tỉnh trung vị có sự cải thiện. Điểm PCI gốc năm 2023 đạt 66,57 điểm, cao hơn 1,12 điểm so với điểm PCI gốc năm 2022 (65,45 điểm) và liên tục tăng từ năm 2017 cho đến năm 2023. Trong khi đó, điểm số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Đây là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh trung vị trong PCI tổng hợp có điểm số vượt 60 điểm trên thang điểm 100.
Trong bảng xếp hạng PCI năm nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là năm thứ 7 liên tiếp đứng đầu với 71,25 điểm. Địa phương này ghi dấu ấn rõ rệt trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp khi chỉ số thành phần chi phí thời gian đạt 8,54 điểm, cao nhất cả nước. Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, với chỉ số thành phần hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,72 điểm, đứng thứ 2 toàn quốc. Tỉnh Quảng Ninh còn đứng thứ 3 cả nước về nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, với chi phí không chính thức đạt 7,72 điểm.
Các vị trí tiếp theo trong top 5 của bảng xếp hạng PCI 2023 lần lượt là TP. Hải Phòng (70 điểm), các tỉnh Bắc Giang (69,75 điểm), Đồng Tháp (69,66 điểm). Riêng Hải Phòng tiếp tục kéo dài chuỗi 3 năm liên tiếp trong top 5 PCI kể từ năm 2021, còn Bắc Giang đánh dấu lần thu xuất hiện trong top 5 kể từ năm 2022. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục kéo dài chuỗi 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 PCI cả nước từ năm 2008 tới nay.
Các vị trí còn lại trong top 10 của bảng xếp hạng PCI 2023 có các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (69 điểm), Bến Tre (69,20 điểm), Thừa Thiên Huế (69,19 điểm), Hậu Giang (69,17 điểm) và Phú Thọ (59,10 điểm). Trong đó, các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang và Phú Thọ là gương mặt mới trong bảng xếp hạng PCI 2023 so với năm 2022.
Theo Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn, PGI được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở các cấp Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.
Chỉ số PGI tập hợp và truyền tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Chỉ số PGI được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản trị môi trường trên cơ sở các văn bản chính sách và quy định pháp luật về môi trường điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền cấp tỉnh và doanh nghiệp.
Chỉ số này bao gồm bốn chỉ số thành phần hợp thành từ 46 chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố với tổng điểm tối đa của Chỉ số PGI là 40 điểm. Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng (25,66 điểm), Đồng Nai (24,71 điểm), Hưng Yên (24,59 điểm) và TP. Hồ Chí Minh (24,2 điểm).