OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn

- Thứ Tư, 12/06/2024, 07:03 - Chia sẻ

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội cất cánh. Các đơn vị cũng đặc biệt đẩy mạnh tuyền truyền sản phẩm nông sản chủ lực, xây dựng thương hiệu đặc trưng qua các kênh tiêu thụ truyền thống, truyền thông hội chợ và các sàn thương mại điện tử.

Đẩy mạnh quảng bá

Nhiều năm qua tại Hà Tĩnh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. OCOP cũng là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các kênh truyền thống và hiện đại
Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các kênh truyền thống và hiện đại

Ngay từ đầu khi thực hiện, mục tiêu của Chương trình OCOP được xác định nhằm phát triển sản phẩm nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn.

Bởi vậy, lãnh đạo Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm gắn với Chương trình OCOP. Đơn vị đã đặt ra chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, có tối thiểu 50 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao trở lên. Tỉnh Hà Tĩnh lên kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP; tìm kiếm thế mạnh, tiềm năng các sản phẩm đặc trưng của địa phương để xây dựng ý tưởng tham gia chương trình, đồng thời hỗ trợ các cơ sở có năng lực phát triển mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, liên kết sản xuất giữa các cơ sở OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sau quá trình nỗ lực và thực hiện, OCOP tại Hà Tĩnh đã đạt được những thành quả quan trọng bước đầu. Trong năm 2023, cấp huyện đã tổ chức, đánh giá công nhận 128 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao (88 sản phẩm công nhận mới và 40 sản phẩm công nhận lại), 5 sản phẩm đủ điều kiện đề xuất tỉnh đánh giá, công nhận nâng hạng lên 4 sao. Lũy kế đến nay đã công nhận 342 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong số đó, 238 sản phẩm đang còn hiệu lực chứng nhận OCOP, 46 sản phẩm hết giá trị sử dụng chứng nhận OCOP đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại; 58 sản phẩm không đánh giá, công nhận lại.

Khi nguồn cung sản phẩm dồi dào, công tác xúc tiến thương mại tại tỉnh cũng được tăng cường qua nhiều kênh, như: truyền hình, các nền tảng mạng xã hội, tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh… tiêu biểu như các sản phẩm: Nhung hươu Hiền Ngọc, bánh ram Anh Thu, nhung hươu Chiến Sơn,... Từ đó, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm OCOP ngày càng được mở rộng, một số sản phẩm trước đây chỉ bán trong xã, trong huyện hiện đã tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đã có 6 sản phẩm xuất khẩu.

Nhân lực là chìa khóa

Khẳng định nguồn nhân lực là chìa khóa để phát triển OCOP bền vững, Hà Tĩnh đã ra mắt Công trình “Số hóa sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản sạch, nông sản hữu cơ; các chính sách nông nghiệp, NTM. Tổ chức hỗ trợ xây dựng và ra mắt hơn 130 mô hình kinh tế thanh niên quy mô trên 200 triệu đồng, tổ chức 35 lớp tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho hơn 4.000 thanh niên nông thôn...

Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho 740 học viên, 158 lớp tập huấn cho 8.000 người về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất VietGAP; phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn các Bộ tiêu chí NTM, chương trình OCOP. Các nội dung chuyển đổi số; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn gắn với phổ biến chính sách mới về phát triển công nghiệp, thương mại nông thôn cũng được đẩy mạnh. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã phối hợp với các Sở, ngành tổ chức tập huấn 18 lớp về hướng dẫn các Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, Khu dân cư NTM kiểu mẫu, Chương trình OCOP cho trên 3.000 học viên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện OCOP tỉnh Hà Tĩnh cũng gặp phải nhiều khó khăn như: việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư triển khai các dự án sản xuất kinh doanh mới trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tiến độ còn chậm, một số chưa phát huy hiệu quả, đang gặp khó khăn; số lượng HTX hoạt động yếu và trung bình chiếm tỷ lệ còn cao (chiếm 49%); phần lớn các sản phẩm OCOP quy mô sản xuất còn nhỏ, việc tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa thực sự chặt chẽ...

Do đó, một mặt Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các kênh truyền thống và hiện đại, mặt khác, các Sở, Ban, Ngành theo chức năng nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các HTX, THT OCOP, thực hiện giải thể bắt buộc đối với các HTX vi phạm , vận động các HTX yếu kém giải thể tự nguyện hoặc chuyển đổi sang loại hình hoạt động khác; thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm không đảm bảo theo quy định để không làm ảnh hưởng đến thương hiệu OCOP, thương hiệu nông sản chủ lực địa phương.

Anh Việt
#