Ninh Bình phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 13:28 - Chia sẻ

Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng, kết nối khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Tây Bắc, nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa, tỉnh Ninh Bình đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hỗ trợ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng trong vùng, trong cả nước.

Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ có lợi thế cạnh tranh

Trong văn bản mới nhất về định hướng phát triển công nghiệp trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Ninh Bình, Sở Công thương tỉnh Ninh Bình nêu rõ định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới của tỉnh là phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Tập trung đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp tạo mối liên hệ chặt chẽ với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong khu vực.

Ninh Bình phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ -0
Tỉnh Ninh Bình đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm,... xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức cạnh tranh và có khả năng phát triển ổn định trong thị trường khu vực.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống, đặc sản địa phương trong mối liên hệ chặt chẽ với các ngành dịch vụ-thương mại và du lịch trên địa bàn.

Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề thích nghi dần với cơ chế thị trường đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển nhanh

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô có sự phát triển nhanh, từ đó làm tăng thu nhập, việc làm cho người lao động với mức lương trung bình đạt từ 7-10 triệu đồng 1 người/tháng.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô như: Công ty CP Sejung tại Cụm công nghiệp Cầu Yên sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm; dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21, công suất 20 triệu sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Khánh Phú; Nhà máy SAMSE VINA tại Cụm công nghiệp Cầu Yên sản xuất cáp đồng trục tự động cho ô tô với công suất 400 tấn/năm; nhà máy sản xuất lắp ráp bộ dây cáp điện ô tô ESMO VINA tại Cụm công nghiệp Gia Phú với công suất 450.000 sản phẩm/ năm; dự án của Công ty Daewon Auto Vina tại Khu công nghiệp Phúc Sơn với công suất 100.000 sản phẩm ghế ngồi ô tô/năm...

Bà Moon Tae Hee, Phó Giám đốc Công ty TNHH Same Vina cho biết, sau khi đi khảo sát ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy Ninh Bình có nhiều điều kiện để phát triển, đặc biệt là có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn có thể liên doanh, liên kết. Chúng tôi đã quyết định về đầu tư sản xuất, gia công cáp tín hiệu, các loại ăng ten, linh kiện, thiết bị ô tô ở Cụm công nghiệp Cầu Yên. Chúng tôi đi vào sản xuất ổn định từ năm 2019 cho đến nay.

Từ khi đầu tư tại tỉnh Ninh Bình từ năm 2007 cho đến nay, Dự án liên doanh ô tô Hyundai của Tập đoàn Thành Công liên tục có bước tăng trưởng về quy mô, sản lượng, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đến nay công suất đạt 130 nghìn xe/1 năm, gấp hơn 2 lần so với năm đầu khi mới đi vào sản xuất. Dự kiến khi giai đoạn 2 của nhà máy 2 hoàn thiện vào năm 2025, tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe Hyundai tại tỉnh sẽ đạt 180.000 xe/năm. Sự phát triển của Nhà máy Hyundai Thành Công đã thu hút hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đến đầu tư tại Ninh Bình.

Xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Những kết quả trên là minh chứng cho thấy hiệu quả của các cơ chế, chính sách thu hút ngành công nghiệp ô tô của tỉnh, đặc biệt là với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 13.2.2017 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Nghị quyết 115/NQ-CP năm 2020 về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ do Chính phủ ban hành cũng giúp cho tỉnh Ninh Bình quyết tâm, chủ động hơn trong việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Bình Hoàng Trung Kiên cho biết, thời gian qua, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình được quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh xác định ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ là những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế, góp phần vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp. Do đó, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng…

Bước vào giai đoạn 2021-2025, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển doanh nghiệp và các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

Ngành Công thương cũng đang tập trung vào các hoạt động chính như tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và ngoài nước.

Mặt khác, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06- NQ/TU ngày 11.10.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thảo Anh
#