Những hạt nhân tạo nên sức mạnh đại đoàn kết

Trang Nhung 23/11/2022 09:03

Luôn có mặt ở hầu hết các phong trào, cuộc vận động, đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên (MTTQ) và các tổ chức đoàn thể nhân dân trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, là hạt nhân tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, hệ thống Mặt trận ngày càng thực hiện hiệu quả vai trò cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”.

Khẳng định vai trò của công tác mặt trận 

Trong ba năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Thái Nguyên đã bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức thành viên triển khai hiệu quả chương trình hành động đã đề ra. Trong năm 2022, đã có 172/178 Ủy ban MTTQ cấp xã xây dựng mô hình điểm; 742/2.254 khu dân cư có mô hình hiệu quả thực hiện các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.  Các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã huy động được hơn 476 tỷ đồng. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được nâng cao chất lượng, hiệu quả, với 29 chuyên đề; chủ trì giám sát 976 chuyên đề, phối hợp tham gia gần 2.500 cuộc giám sát cấp huyện và cấp xã. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cũng đã phối hợp vận động, hỗ trợ làm mới, sửa chữa 1.594 nhà ở cho hộ nghèo; 73% Ủy ban MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội…

Thái Nguyên: Hạt nhân xây dựng sức mạnh đại đoàn kết -0
Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ gia đình bị sập nhà trong mưa bão năm 2020

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh kịp thời ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp vận động nhân dân ủng hộ, khắc phục hậu quả ảnh hưởng do đại dịch với số tiền và hiện vật đạt trên 88,9 tỷ đồng.

Mặt trận thường xuyên nắm bắt tình hình, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân định kỳ hằng tháng, hằng quý thông qua các hình thức, hoạt động như: Tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp, giám sát, tiếp công dân, phản ánh của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội… Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những vấn đề Nhân dân quan tâm, những vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Đồng thời tích cực, chủ động tham gia tuyên truyền, vận động, giải thích cho Nhân dân hiểu rõ và đồng thuận trong triển khai các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm, thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, qua đó góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã hướng mạnh hoạt động về cơ sở, tập trung chỉ đạo điểm và phát triển rộng khắp các mô hình Nhân dân tự quản, xây dựng khu dân cư nông thôn mới và đô thị văn minh kiểu mẫu. Cùng với đó, tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”… gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn. Với những kết quả đã đạt được, Ủy ban MTTQ tỉnh đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; Cờ thi đua xuất sắc toàn diện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới. Các chương trình, chính sách của Trung ương được lồng ghép với chương trình, chính sách của địa phương bằng nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm. Tại nhiều địa phương, các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng mới đã từng bước cải thiện, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

Xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ vốn được coi là vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông chiếm đến 90%. Sau khi con đường liên xóm (nối liền nhiều xóm của xã Tân Long) được hoàn thành, việc đi lại của bà con cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Ông Trần Văn Dàng (dân tộc người Mông, xã Tân Long) cho biết, nhờ MTTQ và chính quyền địa phương tích cực vận động mà các hộ dân trong xóm đều hiểu được, muốn con đường hoàn thành thì bản thân mỗi người dân cần cùng có trách nhiệm. Chính vì thế gia đình ông Dàng đã hiến hơn 2 sào ruộng để địa phương xây dựng con đường liên xóm. 

Thái Nguyên: Hạt nhân xây dựng sức mạnh đại đoàn kết -0
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi với người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn

Hạ tầng được đầu tư xây dựng đã từng bước thay đổi bộ mặt của địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân tộc tại Lân Quan đã tạo đà cho xóm vươn lên trong phát triển kinh tế. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả thì công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp là vô cùng quan trọng. Trong đó, yếu tố then chốt là thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh cho biết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt trận. Trong thời gian qua, công tác này luôn được MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Trong thời gian tới, để tiếp tục làm tốt việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó có đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa, MTTQ sẽ tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, làm tốt công tác nắm bắt tình hình, động viên đồng bào dân tộc để kịp thời xử lý các thông tin gửi tới cấp ủy, chính quyền giúp bà con tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong sản xuấT.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ về công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Với hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả của MTTQ các cấp, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, triển khai. Những hoạt động trên đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những hạt nhân tạo nên sức mạnh đại đoàn kết
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO