Nhiều tiềm năng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

- Thứ Hai, 22/07/2024, 07:32 - Chia sẻ

Những năm qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Định đã phát triển đúng định hướng, bám sát những yêu cầu thực tiễn và từng bước đi vào chiều sâu, khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo  (KHCN và ĐMST) của tỉnh được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều đổi mới. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bình Định đã ban hành 2 Chương trình hành động về KHCN, trong đó, Chương trình hành số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển KHCN tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025.

Toàn cảnh buổi làm việc của Thứ trưởng Trần Hồng Thái với tỉnh Bình Định
Toàn cảnh cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ với tỉnh Bình Định. Ảnh: Khánh Duy

Nhờ vậy, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh khá cao và tăng dần theo từng năm: năm 2021 là 33,18%, năm 2022 là 41,95%, năm 2023 là 40,34%. Bên cạnh đó, tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh cũng ngày càng tăng, nếu như năm 2020 là 7,5%, đến năm 2022 là 17,39%; hình thành mới 10 doanh nghiệp KHCN; hỗ trợ thương mại hóa 6 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; triển khai phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành, xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn tiến đến hình thành Trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Bình Định.

Cùng với đó, công tác quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh có nhiều đổi mới: từ khâu xác định, đặt hàng, tuyển chọn, đến giao trực tiếp; thẩm định, phê duyệt dự toán và thuyết minh; đánh giá, nghiệm thu; tổ chức giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu gắn với việc triển khai nhiệm vụ với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức ứng dụng. Đặc biệt, từ năm 2023, 100% nhiệm vụ được thực hiện thông qua tuyển chọn từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng.

Đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đến nay toàn tỉnh có 33 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, đã được cấp 3 bằng độc quyền sáng chế và 3 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; có 85 đơn đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đã được cấp 46 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; có 2.460 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.470 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đáng chú ý, tỉnh Bình Định vừa xác lập thành công chỉ dẫn địa lý Bình Định cho sản phẩm "Mai vàng";  có 66 nhãn hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn địa danh được đăng ký bảo hộ; cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cho 7 doanh nghiệp…

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Hiện tại đang triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ cấp Nhà nước 16 và 30 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang khẳng định: tỉnh Bình Định rất quan tâm phát triển KHCN và ĐMST. Coi khoa học công nghệ cùng giáo dục đào tạo là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Chính vì vậy, trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, Tỉnh ủy Bình Định đã có Chương trình hành động về phát triển KHCN. Hoạt động KHCN và ĐMST được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều đổi mới, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư...

Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế biển

Báo cáo kết quả hoạt động KHCN của tỉnh Bình Định với Đoàn Công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm Trưởng đoàn mới đây cho thấy, mặc dù công tác quản lý nhà nước về KHCN và ĐMST được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương...

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nơi đây thành "Trung tâm KHCN và ĐMST của vùng", với "Khu đô thị khoa học tầm cỡ quốc gia", "điểm đến ngày càng hấp dẫn của các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế"; đặc biệt để thực hiện được các đột phá phát triển, phương hướng, phương án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đề ra... các thành viên trong đoàn cho rằng: cần có sự tham gia tích cực, thực chất và hiệu quả hơn nữa của KHCN. Cụ thể, tỉnh cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong các dự án đầu tư, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển bền vững…

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Hồng Thái nhìn nhận: tiềm năng, lợi thế của Bình Định trong phát triển KHCN và ĐMST là rất lớn. Do đó, tỉnh cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KHCN và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, tập trung vào các lĩnh vực: nuôi trồng và khai thác hải sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; du lịch sinh thái và dịch vụ biển; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển; năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo… góp phần thực hiện mục tiêu "Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển" theo quy hoạch. Mặt khác, duy trì, giữ vững thương hiệu sản phẩm của tỉnh đã được bảo hộ; tăng cường khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước.

Khánh Duy
#