Đây là những mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể đáng chú ý trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trở thành tỉnh khá vào năm 2030
Quy hoạch tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biển đối khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Quy hoạch tỉnh cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể trên 5 nhóm: Kinh tế, xã hội, đô thị và kết cấu hạ tầng, môi trường, quốc phòng và an ninh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5 - 11,0%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.500 - 8.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 24% GRDP. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu tỷ lệ làng, bản khối phố văn hóa đạt 78%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%. Hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, an toàn; hạ tầng thủy lợi, đê điều, hồ đập bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, chủ động tiêu, thoát nước; đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt; hệ thống thông tin liên lạc, internet và thiết bị đầu cuối hiện đại; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn và phát huy; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Ba đột phá chiến lược
Bám sát 5 quan điểm trọng tâm, Nghệ An sẽ tập trung phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng chính là thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng. Hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A. Trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm.
Cùng với đó, Nghệ An cũng định hướng xây dựng 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển gồm: Đô thị Vinh mở rộng; đô thị Hoàng Mai phát triển gắn với Quỳnh Lưu; đô thị Thái Hòa phát triển gắn với Nghĩa Đàn; đô thị Diễn Châu; đô thị Đô Lương; đô thị Con Cuông. Đồng thời, phát triển 5 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: Công nghiệp; thương mại, dịch vụ; du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Theo Quy hoạch được phê duyệt, Nghệ An sẽ thực hiện ba đột phá chiến lược. Trong đó, chú trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Mặt khác, tập trung đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển; trong đó, phát triển mạnh hạ tầng giao thông chiến lược, tạo sự kết nối, lan tỏa phát triển. Đồng thời, phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ. Tập trung giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, Nghệ An phấn đấu nâng tầm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Cụ thể, phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả; chú trọng phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, văn hóa, sinh thái, cộng đồng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Duy trì tăng trưởng ổn định thị trường khách du lịch nội địa là yếu tố then chốt, đồng thời chú trọng tăng nhanh việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Hệ thống không gian phát triển du lịch Nghệ An được quy hoạch ở một số cụm không gian tiêu biểu. Đó là Khu vực thành phố Vinh mở rộng và vùng phụ cận, gồm: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương phát triển du lịch thành phố Vinh mở rộng trở thành trung tâm du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ với nhiều loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch chất lượng cao; phát triển du lịch trải nghiệm không gian văn hóa sông Lam và nghệ thuật dân ca Ví, Giặm; phát triển du lịch chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch đô thị.
Không gian trục ven biển, khu vực Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai tập trung đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch thể thao và giải trí biển; du lịch chuyên đề văn hóa - lịch sử. Không gian trục Quốc lộ 7, đường mòn Hồ Chí minh và Tây Bắc Nghệ An dọc theo quốc lộ 48 phát triển du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn…