Nam Định khôi phục và phát triển nghề dâu tằm tơ

- Thứ Sáu, 17/05/2024, 07:52 - Chia sẻ

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải thuộc truyền thống của Nam Định đã được lưu truyền cách đây hàng trăm năm; tuy nhiên, những năm trở lại đây, nghề dâu tằm dần bị thu hẹp, có nguy cơ mai một. Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định và các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khôi phục nghề truyền thống có giá trị kinh tế cao và giàu bản sắc văn hóa địa phương.

Thăng trầm nghề tằm tơ

Nam Định là địa phương có nhiều tuyến sông lớn, tạo nhiều đất phù sa, màu mỡ rất thuận lợi cho nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nghề đã phát triển từ nhiều đời nay, từ rất sớm đã xuất hiện nhiều làng nghề như làng Cổ Chất, làng Đại An, làng Hành Thiện… Người dân Nam Định truyền tai nhau kể lại, từ thời Pháp thuộc, kỹ thuật chăn tằm, kéo kén, ươm tơ độc đáo của người thợ Nam Định đã làm ra những tấm lụa thượng hạng trong ngành tơ lụa của Việt Nam.  

Đơn cử, làng Cổ Chất được đánh giá là nơi làm nên những loại tơ tằm đẹp nhất. Những ông chủ tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng cả nhà máy ươm tơ tại làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh Cơ; thương nhân các nơi tìm về tận Cổ Chất để thu mua tơ lụa đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định trước năm 1945.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phương Định, năm 1942, ông Phạm Ruân, người làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi tại phiên đấu xảo mở ở Kinh thành Thăng Long và đoạt được giải cao do Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ trao. Nghề trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ, dệt lụa mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và tạo nên nét văn hóa vùng miền đặc sắc.

 Chú thích ảnh: Người dân làng nghề Cổ Chất dệt tơ, nuôi tằm. Nguồn: Báo Nam Định
 Người dân làng nghề Cổ Chất dệt tơ, nuôi tằm. Nguồn: Báo Nam Định

Đến những năm 1980, tơ tằm của Nam Định xuất sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc... Tuy nhiên, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa thủ công đã gặp những biến động như nhiều nghề truyền thống khác, từ khâu sản xuất nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm, khi hội nhập thị trường thế giới cạnh tranh mạnh mẽ cũng như những hạn chế của nghề ngay tại địa phương như thiếu chủ động về nguyên liệu sản xuất, công nghệ, thiết bị lạc hậu...

Mặt khác, biến đổi khí hậu gây tác động không nhỏ đến chất lượng sinh trưởng của cây dâu, con tằm, sự dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề và sự manh mún trong tổ chức sản xuất dẫn đến sức chống chịu và khả năng linh hoạt ứng phó của người sản xuất bị hạn chế... 

Giải pháp khôi phục phát triển nghề

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, những năm gần đây, ngành dâu tằm tơ tỉnh Nam Định có xu hướng suy giảm; tính từ năm 2018 trở về trước, dâu tằm tơ được trồng và sản xuất trên địa bàn 6 huyện/thành phố; đến năm 2019, 2020 giảm xuống còn 3 huyện. Từ năm 2021 đến nay, chỉ còn tập trung tại 2 huyện là Trực Ninh, Xuân Trường. Giai đoạn 2019 - 2023, diện tích trồng dâu tằm giảm với tốc độ bình quân 2%/năm. Theo đó, sản lượng kén tằm giảm bình quân 0,2%/năm.

Năm 2023, diện tích trồng dâu ước còn 69ha, sản lượng ước đạt 1.449 tấn, sản lượng kén tằm ước đạt 25 tấn, chưa hình thành được liên kết chuỗi trong sản xuất ngành dâu tằm tơ. Trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp lớn làm đầu mối tạo liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm lụa tơ tằm, dẫn đến các cơ sở trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm.

Năm 2022, với thông điệp "tỏa sáng cùng giá trị đích thực", sản phẩm may mặc từ lụa tơ tằm Silk Chất của Hợp tác xã Lụa Cổ Chất được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao. Silk Chất là sản phẩm may mặc được sản xuất theo quy trình từ nguyên liệu đến thành phẩm theo phương thức thủ công truyền thống tại làng nghề.

Ông Phạm Ngọc Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định (huyện Trực Ninh) chia sẻ, việc xây dựng thành công chứng nhận OCOP cho sản phẩm may mặc từ lụa tơ tằm Silk Chất mang lại thu nhập tốt cho các thành viên hợp tác xã, mở ra hướng khôi phục và phát triển cho nghề truyền thống của địa phương. Sản phẩm hiện tại đang tiêu thụ rộng rãi ở cả trong và ngoài nước; điều này càng khẳng định giá trị và cơ hội phát triển của nghề dâu tằm tơ nổi tiếng của tỉnh.

Tuy nhiên, việc nỗ lực của UBND xã Phương Định, Hợp tác xã Lụa Cổ Chất và người dân trong xã mới chỉ mang tính chất "nhen nhóm" giữ nghề trong phạm vi làng, xã. Việc vực lại nghề trồng dâu, nuôi tằm trên diện rộng ở những địa phương từng có nghề phát triển tốt vẫn phải cần những giải pháp căn cơ từ các cơ quan chức năng.

Nhằm khôi phục và phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa với bảo vệ môi trường và phát huy văn hóa bản địa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khảo sát, đánh giá lại thực trạng tình hình trồng dâu, nuôi tằm, việc cung ứng, sử dụng giống tằm và sản xuất dâu tằm tơ.

Đồng thời, xác định 2 yếu tố căn bản cần tập trung giải quyết, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng và sản xuất theo chuỗi liên kết từ xây dựng vùng nguyên liệu cho đến thu mua sản phẩm của người nuôi tằm. Bên cạnh đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích khôi phục ngành dâu tằm tơ mang lại sản phẩm có giá trị gia tăng cao.                                        

Phan Phương
#