Lấy giá trị làm cốt lõi trong phát triển nông nghiệp

- Thứ Tư, 03/08/2022, 05:36 - Chia sẻ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn cho biết, trong giai đoạn tới, tỉnh giảm mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ nông thôn, giảm mạnh tỉ trọng nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển. Tuy tỉ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất trên 1ha và thu nhập nông dân phải tăng so với giai đoạn trước.

Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 127 triệu đồng/ha/năm

Giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành có giá trị kinh tế cao, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 42,64% lên 46,64%, giảm tỷ trọng trồng trọt từ 39% xuống còn 36,05%; gía trị sản phẩm thu hoạch/ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 132 triệu đồng/ha/năm, nếu tính cả chăn nuôi đạt trên 230 triệu đồng/ha.

Lấy giá trị làm cốt lõi trong phát triển nông nghiệp -0
Nông dân Đồng Nai thu hoạch bưởi. Nguồn: ITN

Năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt hơn 45,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,43% so với năm 2020, cao hơn mặt bằng chung của cả nước với mức tăng trưởng gần 2,9%. Trong đó, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi vẫn chiếm tỉ trọng lớn với hơn 24,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4%. Riêng lĩnh vực chăn nuôi lợn mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch tả châu Phi, nhưng các cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tốt công tác tái đàn, hiện tổng đàn lợn của tỉnh đạt hơn 2,5 triệu con, 90% tổng đàn lợn chăn nuôi công nghiệp. Các lĩnh vực lâm nghiệp, nuôi thủy sản, trồng trọt tuy cũng chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là về thị trường tiêu thụ nhưng đều đạt mức tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với năm 2020. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 61 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 127 triệu đồng/ha/năm.

Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn mới, tỉnh đã và đang chủ động định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, trong giai đoạn tới tỉnh giảm mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ nông thôn, giảm mạnh tỉ trọng nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển. Tuy tỉ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất trên 1ha và thu nhập nông dân phải tăng so với giai đoạn trước. Đơn cử, trong trồng trọt, diện tích gieo trồng giảm nhưng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên sản lượng các loại cây trồng chính đều tăng.

Theo đó, mặc dù là một tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn đạt nhiều thành quả ấn tượng trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như nằm trong top đầu của các tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước; thuộc top đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn… Từ đó, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị.

Tập trung sản xuất, nuôi trồng giống cây - con chất lượng cao

Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với giảm tỉ trọng nhưng tăng giá trị sản xuất, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 3-3,5%; giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 170-175 triệu đồng/ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) trên 25%; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 10 - 11%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 35%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 9%/năm.

Để đạt được những mục tiêu đó, huyện tiếp tục duy trì phát triển nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, đồng thời được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, rau quả, khoai mì, thịt lợn, trứng gia cầm, tôm… Cụ thể, giảm diện tích đất trồng lúa còn 4.600ha, sản lượng trung bình đạt 27.600 tấn/năm. Nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao trong tổng diện tích gieo trồng lúa từ 50 - 75%; đa dạng các loại gạo và sản phẩm chế biến từ gạo, phụ phẩm của lúa gạo để tăng giá trị kinh tế. Triển khai tổ chức sản xuất theo vùng chuyên canh tập trung, vùng sản xuất hữu cơ, vùng lúa chất lượng cao tại một số địa phương, như Vĩnh Thanh, Phú Đông, Long Tân, Phước Thiền. Giảm diện tích trồng mì xuống còn 360ha, tập trung hiệu quả nâng cao sản lượng đạt 9.360 tấn. Tập trung phát triển các vùng sản xuất trồng mì tại các xã Vĩnh Thanh, Phước An, Long Tân, Phú Hội gắn với liên kết cung ứng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở, nhà máy chế biến trong và ngoài huyện. Tập trung sản xuất với diện tích gieo trồng hiện có 349ha, đẩy mạnh sản lượng đạt khoảng 6.980 tấn/năm.

Phát triển các vùng trồng rau tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương như Long Thọ, Vĩnh Thanh, Phú Thanh, Phú Đông. Phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao nuôi theo hướng trang trại công nghiệp; ổn định tổng đàn lợn là 7 nghìn con, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật đạt 90%; sản lượng thịt xẻ đạt 350 nghìn tấn. Duy trì đàn gia cầm ở mức 40 - 60 nghìn con, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật đạt trên 90%. Tập trung sản xuất tổng diện tích sản xuất thủy sản mặt nước khoảng 1.769ha, trong đó phát triển diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao lên 333ha; sản lượng trung bình đạt 4.995 tấn; quy hoạch tập trung phát triển các vùng nuôi trên địa bàn các xã Phước An, Vĩnh Thanh, Long Thọ. Duy trì ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ từ khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà, vườn rừng với sản lượng gỗ khoảng 10 - 30 nghìn m3/năm…Ngoài ra, huyện cũng thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất và thu nhập của người nông dân/ha. Do đó, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó phát huy tiềm năng lợi thế của huyện nhà.

Thảo Anh