Đến năm 2025 thành lập mới 95-100 HTX
Theo Liên minh HTX Quảng Trị, tỉnh hiện có 332 HTX (302 hợp tác xã nông nghiệp). Trình độ cán bộ qua đào tạo đạt gần 21% và có trên 28% cán bộ quản lý qua đào tạo. Năm 2022, có 22% HTX được xếp loại tốt, 34% loại khá, 42% loại trung bình và 2% loại yếu.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, Chương trình được ban hành nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên; tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nhằm phát huy vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực. Ngoài ra, chương trình còn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
UBND tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới 95-100 HTX, liên hiệp HTX; 100% số HTX tổ chức, hoạt động theo đúng quy định; 60% tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên.
Phát triển theo hướng hàng hoá, giảm tự cung tự cấp
Trong quá trình khai thác thế mạnh, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang thể hiện dấu ấn đậm nét, phát huy vai trò cầu nối liên kết người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, giảm tự cung tư cấp.
Với địa hình chủ yếu là đồi núi, huyện Đakrông có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp. Theo đó, huyện đã chủ động tập trung hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể từ rừng để giảm nghèo bền vững.
Điển hình có thể kể đến HTX Vanpa được thành lập từ năm 2017 (xã Ba Lòng, huyện Đakrông xuất phát điểm với 24 thành viên trong đó có 20 thành viên là người dân tộc Vân Kiều. Đây là mô hình HTX kiểu mới hướng vào sản xuất kinh doanh cây dược liệu có giá trị cao, phục vụ thị trường nông sản, dược liệu trong và ngoài nước. Việc tham gia vào HTX đã và đang giúp các thành viên, hộ liên kết tại địa phương thoát ra khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ để chuyển sang hình thức hợp tác, phân công lao động, sản xuất với quy mô lớn.
Hiện, mô hình trồng sả của HTX được sản xuất theo hướng liên kết giữa người dân địa phương với HTX, trong đó các thành viên có trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch sả. HTX điều hành các khâu cung cấp giống, làm đất, phân bón vi sinh và bao tiêu sản phẩm. Lá sả tươi sau khi thu hoạch, sơ chế sẽ được HTX thu mua 1.000 đồng/kg, bình quân 1 ha mỗi năm thu hoạch lá từ 4 - 5 lượt, với sản lượng 40 - 50 tấn lá sả cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha mỗi năm.
HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) được thành lập từ tháng 5.2018 với 26 thành viên, vốn điều lệ là 210 triệu đồng, chỉ có 15ha cây ăn quả các loại, trồng không tập trung. Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, chính quyền xã Vĩnh Thủy đã hỗ trợ 50 hộ dân là thành viên HTX cải tạo vườn tạp, bình quân mỗi hộ được nhận hỗ trợ 7 triệu đồng gồm cây giống và hệ thống tưới nước.
Bà Lê Thị Thuận, thành viên HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy cho biết, khi địa phương triển khai chủ trương cải tạo vườn tạp, tôi được đi tập huấn, hướng dẫn cách thức trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ... Từ đó tôi đã bàn bạc với gia đình cải tạo 1,5 sào đất vườn tạp để đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Từ một số mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy đã phát triển được hơn 83ha cây ăn quả tập trung. Trong đó, riêng thanh long ruột đỏ chiếm 12ha, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường 72 tấn sản phẩm, đem lại nguồn thu trên 1,8 tỷ đồng.
Đối với huyện miền núi Hướng Hoá, mô hình HTX còn hoạt động là rất ít so với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị. Nhưng thời gian gần đây, từ chủ trương phát triển HTX, một số địa phương đã đầu tư xây dựng HTX hoạt động bài bản, quy mô và hiệu quả. Từ đó đã tác động tích cực đến hiệu quả lao động sản xuất của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX ngày càng phát triển trong thời gian tới.
Điển hình như HTX Tân Hợp, được thành lập vào năm 2018 với 10 thành viên. Chỉ sau 3 năm hoạt động, HTX Tân Hợp đã hoạt động khá ổn định bằng việc triển khai xây dựng các 7ha vườn ươm các loại cây giống như: cây dược liệu, bời lời, cà phê chè phục vụ cho nhu cầu sản xuất của bà con trong vùng; trồng thí điểm mô hình chanh leo; trồng gừng, nghệ và 1 số loại cây trồng khác kết hợp chăn nuôi gà. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, các mô hình trồng trọt và chăn nuôi có thể thu hoạch quanh năm, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho xã viên đồng thời tạo cơ sở để đầu tư tiếp.
Mặt khác, khi tham gia vào HTX, các thành viên HTX đều được tập huấn khoa học kỹ thuật kỹ càng, huy động được trí tuệ, kinh nghiệm tập thể nên năng suất, hiệu quả sản xuất cao hơn. Vấn đề liên doanh liên kết thuận lợi nên không phải lo lắng vấn đề đầu ra của sản phẩm.