Khuyến công Hải Dương: Góp phần chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang tự động hóa

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 12:25 - Chia sẻ

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Dương (Trung tâm) đã tích cực triển khai hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh tham gia các đề án khuyến công quốc gia và địa phương. Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT chuyển đổi hình thức kinh doanh từ hộ gia đình sang cơ sở kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, HTX. Chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống, thủ công sang tự động hóa, hiện đại hóa...

Hỗ trợ rất thiết thực

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quốc Việt cho biết, năm 2022 Trung tâm đã phối hợp với Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) tiến hành khảo sát 29 hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại 12 huyện, thị xã, thành phố để lựa chọn, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ khuyến công năm 2022. Qua khảo sát cho thấy, đa số các cơ sở CNNT đều đáp ứng các yêu cầu về đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh, diện tích nhà xưởng, máy móc thiết bị, số lượng lao động… Hầu hết các đơn vị được khảo sát đều có nhu cầu về đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến để mở rộng sản xuất, giảm công lao động, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Khuyến công đã có những hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh
Khuyến công đã có những hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh

Kết quả, từ đầu năm 2022 đến nay, về khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hoàn thành 2 đề án khuyến công, hỗ trợ 7 cơ sở CNNT. Hướng dẫn 14 cơ sở CNNT hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT cấp khu vực năm 2022. Hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ 2 đề án đăng ký kế hoạch năm 2023 hỗ trợ cho 30 cơ  sở CNNT trình Bộ Công thương - Cục Công thương địa phương phê duyệt. Đối với khuyến công địa phương, đã khảo sát hướng dẫn 25 cơ sở CNNT hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Vận động 3 cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm và bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực tại tỉnh Thanh Hóa.

Thực tế cho thấy, khuyến công đã hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh đã đem lại hiệu quả thiết thực tại các cơ sở CNNT, doanh nghiệp. Tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng hiện đại hóa, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương. Việc hỗ trợ khuyến công giúp nhiều cơ sở CNNT chuyển đổi hình thức kinh doanh từ hộ gia đình sang cơ sở kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, HTX. Đồng thời chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống, thủ công sang tự động hóa, hiện đại hóa...

Bám sát kế hoạch để thực hiện đúng tiến độ

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong năm 2022 và trong giai đoạn tới, trong những tháng cuối năm 2022, Trung tâm sẽ tiếp tục đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho các chủ doanh nghiệp, CNNT kiến thức về hoạt động khuyến công, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tập trung xây dựng kế hoạch khuyến công từ cơ sở cần bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm và từng giai đoạn để thực hiện đúng tiến độ, mục đích. Chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua đẩy mạnh thực hiện nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về hoạt động khuyến công. Cụ thể hoá bằng các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CNNT. Chính sách khuyến khích phát triển phải tập trung theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ. Tạo động lực cho CNNT của tỉnh phát triển, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm. Tăng cường công tác bình chọn và tôn vinh các sản phẩm đạt chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển; công nhận làng nghề, nghệ nhân...

Để các cơ sở CNNT được tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Việt kiến nghị cần mở rộng các đối tượng được hưởng lợi về chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT ở phường xã, thị xã, thành phố và đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, mức hỗ trợ kinh phí cho mỗi đề án khuyến công nhằm khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư phát triển công nghiệp...

Giám đốc Sở Công thương Hải Dương Trần Văn Hảo đề xuất thêm, Bộ Công thương tham gia ý kiến với Bộ Tài chính có chính sách cụ thể hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất hàng năm làm trụ sở đối với các Trung tâm khuyến công các tỉnh thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số: 16/2011/TTLT-BCT-BNV của Bộ Công thương và Bộ Nội Vụ về việc Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương để đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, trong đó quan tâm hơn đến chức năng hỗ trợ duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống…

Hạnh Nhung
#