Không để phát sinh hộ nghèo

- Thứ Năm, 23/06/2022, 05:18 - Chia sẻ

Đây không chỉ là quyết tâm của những người làm chính sách trong việc giúp người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch mà còn là trọng tâm hành động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trong đó có NHCSXH tỉnh Thái Nguyên. Bởi thế, trong 2 năm đại dịch Covid-19, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh không chỉ bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân mà còn tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt kế hoạch đề ra…

Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu

Là địa phương có tới 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên 384.000 người, chiếm khoảng 29,87% dân số toàn tỉnh; Thái Nguyên luôn ý thức trách nhiệm bảo đảm cuộc sống hạnh phúc cho người dân và kéo gần khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, các vùng trong tỉnh.

Ảnh 1: Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Đồng Hỷ, Thái Nguyên (đầu tiên bên trái) hướng dẫn nghiệp vụ cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn. Ảnh: Đức Kiên
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Đồng Hỷ, Thái Nguyên (đầu tiên bên trái) hướng dẫn nghiệp vụ cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn. Ảnh: Đức Kiên

Chính sự đau đáu của cấp ủy chính quyền các cấp; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; ý thức vượt khó, thoát nghèo của các dân tộc anh em trên địa bàn và sự tận tâm, tận lực của những người làm tín dụng chính sách đã từng bước giúp Thái Nguyên lớn mạnh. Tại buổi làm việc với NHCSXH, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong Nhân dân; giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.

Cụ thể, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2003 - 2005 từ 9,85% xuống còn dưới 4,68%; giai đoạn 2006 - 2010 đã giảm từ 26,85% xuống còn 10,8%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 20,57% xuống còn 7,06%; giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 13,4% xuống còn 2,82%; giúp cho 294.638 hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh; hơn 14.500 lao động có việc làm ổn định; 55.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng  được gần 163.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và hơn 15.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Đặc biệt, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đến cuối năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm vượt mức so với kế hoạch đề ra. Giảm từ 2,82% xuống còn 2,17% cuối năm 2021. Tương đương giảm 0,65% (vượt 0,2% so  với chỉ tiêu là 0,45%). Hiện, sau khi rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đầu kỳ giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 6,09% (20.416 hộ) và 16.274 hộ cận nghèo chiếm 4,85% trên tổng số hộ dân cư toàn tỉnh.

Bảo đảm thông suốt nguồn vốn

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng cho biết, với phương châm không để bị động về nguồn vốn và không để người dân phải khó khăn thêm vì thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, mỗi cán bộ trong chi nhánh đều nỗ lực khai thông nguồn vốn; bảo đảm chuyển tải nguồn vốn nhanh nhất, kịp thời nhất đến tay người dân.

Ông Lê Văn Hồng cũng cho biết, đến 31.5.2022, nguồn ủy thác địa phương đạt 166.233 triệu đồng, tăng 22.742 triệu đồng so với 31.12.2021, đạt 114% kế hoạch giao năm 2022. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh là 84.160 triệu đồng, tăng 10.000 triệu đồng so với 31.12.2021; vốn ngân sách cấp huyện là 72.946 triệu đồng, tăng 13.100 triệu đồng so với 31.12.2021; vốn ủy thác đầu tư của doanh nghiệp là 9.126 triệu đồng. Đặc biệt, toàn tỉnh huy động tiền gửi tiết kiệm đạt 100,67% kế hoạch giao tăng trưởng. Trong đó, các phòng giao dịch (PGD) hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2022: Đồng Hỷ đạt 177%, Phổ Yên đạt 201%, Sông Công đạt 159%, Võ Nhai đạt 113%.

Song song với huy động và chuẩn bị nguồn vốn, Chi nhánh đã giải ngân được hơn 82.250 triệu đồng/100.000 triệu đồng kế hoạch tăng trưởng Trung ương giao cho 5 chương trình tín dụng. Trong đó, cho vay hộ nghèo tăng trưởng là 46.850 triệu đồng, cho vay hộ cận nghèo tăng trưởng là 13.292 triệu đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo tăng trưởng là 3.688 triệu đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường tăng trưởng 38.892 triệu đồng. Cho vay giải quyết việc làm tăng trưởng là 92.860 triệu đồng, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính 2.040 triệu đồng. Một số phòng giao dịch có mức tăng trưởng tốt như Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai... Doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt 603.648 triệu đồng; doanh số thu nợ đạt 457.162 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.892.829 triệu đồng, tăng 145.943 triệu đồng so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, nợ quá hạn chỉ chiếm 1.988 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,051%/tổng dư nợ, giảm 179 triệu đồng so với 31.12.2021.

Riêng tổng nguồn vốn được giao thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 82.900 triệu đồng. Đến 31.5.2022 đã giải ngân được 47.060 triệu đồng/82.900 triệu đồng đạt 56,7% kế hoạch giao. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân 39.950 triệu đồng, Nhà ở xã hội đã giải ngân 4.730 triệu đồng, chương trình máy tính đã giải ngân được 2.040 triệu đồng, cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập đã giải ngân 340 triệu đồng. Tổng số tồn chưa giải ngân của các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 35.840 triệu đồng.

Thái Bình