Chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho đoàn viên, người lao động
Chương trình “Tết sum vầy” là hoạt động thiết thực có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang đậm dấu ấn tổ chức Công đoàn đối với ĐV, NLĐ. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, vì mục tiêu chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho ĐV, NLĐ, các cấp công đoàn đã khẳng định “Tết sum vầy” được đổi mới cả về nội dung, hình thức, mang đậm màu sắc và giá trị của Công đoàn Việt Nam. Sau 10 năm triển khai, đã có 168.243 chương trình được tổ chức ở các cấp công đoàn, thu hút trên 29 triệu lượt ĐV, NLĐ tham gia, tặng quà tại Chương trình trên 24.1 triệu lượt ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 17.210 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ nguồn xã hội hóa gần 9.000 tỷ đồng (chiếm 52 %).
Các hoạt động chăm lo tại Chương trình “Tết sum vầy” thật sự thiết thực đối với ĐV, NLĐ. Bày tỏ niềm vui khi nhận được phần quà ý nghĩa, bà Kiên Thị Trúc, làm việc ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hanyang Electronic, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh vui mừng chia sẻ: Năm 2023, thu nhập của cá nhân giảm rất nhiều do công ty gặp nhiều khó khăn. Có được phần quà ý nghĩa giúp gia đình có thêm những nhu yếu phẩm thiết yếu trong những ngày Tết đến, Xuân về. Xin cảm ơn Liên đoàn Lao động huyện đã chăm lo đời sống, giúp những người lao động chúng tôi có một cái Tết sum vầy sau một năm làm việc cần mẫn.
Để đạt được kết quả trên là một hành trình dài với quyết tâm, nỗ lực ở tất cả cấp công đoàn, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, tạo điều kiện và hỗ trợ của Chính phủ trong triển khai thực hiện, kết quả cũng chính là nguồn động viên, khích lệ lớn lao đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống của ĐV, NLĐ. Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình “Tết sum vầy” một lần nữa khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam đối với công nhân lao động; nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị xã hội; tiếp tục khẳng định giá trị, tầm quan trọng trong công tác phối hợp, đồng hành, tạo điều kiện của các ban, bộ ngành, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Mở rộng tới các khu vực khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình “Tết sum vầy” được tổ chức rộng khắp nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các cấp công đoàn cơ sở. Các Chương trình quy mô lớn, hỗ trợ nhiều thường tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, có đông công nhân lao động hoặc các địa phương, ngành có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm lực kinh tế tốt. Nguồn lực tổ chức các chương trình còn hạn chế, chưa huy động nhiều sự đóng góp, tham gia của xã hội. Một số Chương trình tổ chức còn mang tính hình thức, chưa thu hút, truyền tải được thông điệp, ý nghĩa về vai trò chăm lo Tết đối với ĐV, NLĐ.
Hoạt động truyền thông về Chương trình còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở, chưa xứng tầm với giá trị và tính lan tỏa của Chương trình “Tết sum vầy”. Nội dung hoạt động của Chương trình sau nhiều năm tại nhiều địa phương, chủ yếu vẫn theo khuôn mẫu như các Chương trình “Tết sum vầy” đầu tiên. Công tác tổng kết, sơ kết việc thực hiện Chương trình ở các cấp công đoàn chưa thường xuyên, đồng bộ. Đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là ở cấp cơ sở còn thiếu, mỏng và phải kiêm nhiệm nhiều việc nên kết quả triển khai chương trình chưa đồng bộ, toàn diện.
Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả Chương trình “Tết sum vầy”, giúp nhiều ĐV, NLĐ hơn nữa được thụ hưởng các hoạt động chăm lo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động chăm lo Tết của tổ chức Công đoàn đối với ĐV, NLĐ, tiếp tục quan tâm đến hoạt động thăm hỏi, động viên và trao quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, ban, bộ ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực, ủng hộ, tham gia tổ chức Công đoàn thực hiện các hoạt động chăm lo Tết cho ĐV, NLĐ, trong đó có hoạt động “Tết sum vầy”. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu hụt lao động vào dịp Tết, thông tin, chia sẻ với tổ chức Công đoàn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống cho ĐV, NLĐ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Chương trình “Tết sum vầy”, thường xuyên tổ chức tổng kết, sơ kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình. Hỗ trợ thêm nguồn lực tổ chức chương trình cho các địa phương, ngành, nhất là những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, ít công nhân lao động, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội chưa thuận lợi. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các thiết chế công đoàn, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động để tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, chăm lo tốt hơn cho ĐV, NLĐ, phát triển, mở rộng Chương trình. Tiếp tục triển khai tổ chức Chương trình “Tết sum vầy” với quy mô cấp Trung ương tại một số cụm, khu vực có đông công nhân viên chức lao động.