Theo đó, vốn ngân sách tỉnh hơn 160 tỷ đồng, huyện Châu Đức hơn 270 tỷ đồng, vốn tín dụng 295 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 130 tỷ đồng, vốn nhân dân 60 tỷ đồng và vốn lồng ghép hơn 61,8 tỷ đồng.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như hỗ trợ nhà ở, trao sinh kế, cây con giống cho hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, 610 hộ trong huyện đã thoát nghèo vào cuối năm 2023, đạt kế hoạch 100%.
Năm 2023, tổng kinh phí giải ngân đạt hơn 2,3 tỷ đồng, cấp 2.459 thẻ BHYT cho người nghèo và thoát nghèo; Trợ cấp Tết và vận động trao quà Tết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ “Vì người nghèo” huyện đã vận động trên 3,6 tỷ đồng, qua đó xây mới, sửa chữa 57 căn nhà đại đoàn kết, xây dựng 51 nhà vệ sinh cho những hộ nghèo, khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện Châu Đức có 43 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 31 sản phẩm đưa lên tham gia sàn thương mại điện tử Postmart, đạt tỷ lệ 100%. Cuối năm 2023, huyện Châu Đức có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Châu Đức nằm ở phía Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là một huyện thuần nông, thuộc vùng sâu, vùng xa và cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nhất trên toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện toàn huyện có 2.200 hộ DTTS với 9.200 nhân khẩu, chiếm 5,79% dân số của huyện. Giai đoạn từ năm 2021 -2022, huyện có 152 hộ DTTS thuộc diện hộ nghèo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Châu Đức đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương, tỉnh về chính sách giảm nghèo, kịp thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây nhà, điện, nước, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ khó khăn; tạo việc làm cho lao động nông thôn. Do đó, đời sống bà con đã không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm.
Huyện Châu Đức đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, nhu cầu bức thiết của người dân, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể: 95% hộ đồng bào DTTS nghèo, khó khăn được xây dựng nhà ở mới, ổn định, xóa nhà ở tạm, nhà dột; trên 99,85% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
Cơ sở hạ tầng của huyện cũng được tăng cường, các tuyến đường liên thôn, ấp, đường giao thông nông thôn được đầu tư nhựa hóa và bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại phục vụ dân sinh, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được tăng lên. Mức sống dân cư được cải thiện.
Hiện nay, Châu Đức đang tiếp tục phát huy lợi thế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tập trung chuyển đổi cây trồng, con giống có giá trị kinh tế cao, nhân rộng mô hình sinh kế bền vững, phù hợp với quy hoạch nông nghiệp của huyện như trồng: hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả, bắp, rau các loại; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Đặc biệt là những hộ đã thoát nghèo cần nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức vượt khó, tự vươn lên.
Đồng thời, huyện tập trung giải quyết kịp thời các nguồn vốn vay, đảm bảo cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Xây dựng phát triển nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, tạo việc làm, sinh kế bền vững.
Huyện Châu Đức cũng tích cực thực hiện hiệu quả các chính sách về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là bảo vệ môi trường; huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết phát huy chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản xuất.
Ngoài ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Các hoạt động thi đua sẽ được gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng tập thể, cá nhân trong đơn vị, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành và thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo của huyện nói chung.