Nhiều thành tựu nổi bật
- Sau 20 năm thành lập, đến nay Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã gặt hái được thành quả nổi bật nào, thưa Chủ tịch?
- Sau 20 năm thành lập, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2005-2010 (ngày 21.11.2005), Hậu Giang đánh giá: Tăng trưởng kinh tế đạt mức bình quân khá cao 10,04%, hơn 1,36 lần bình quân cả nước, đã tạo giá trị GDP năm 2005 tăng gấp 1,62 lần năm 2000; thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng (năm 2000) lên 6,6 triệu đồng (năm 2005). Tỉnh thường xuyên “củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đồng thời giải quyết cơ sở yếu kém”. Năm 2004, tỉnh đã hoàn thành cơ bản xây nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách (1.694 căn); năm 2005, xây xong 4.340 căn nhà tình thương, giải quyết cơ bản cho các đối tượng hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
5 năm sau đó (2006-2010) với một Hậu Giang non trẻ, Đảng bộ, chính quyền và toàn dân đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện các mục tiêu đột phá: “Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội”; “Phát triển nguồn nhân lực, tập trung cho giáo dục, đào tạo”, “sử dụng cán bộ quản lý, chủ chốt các cấp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới”…
Kết quả, đến năm 2010, Hậu Giang mang dấu ấn đậm nét, là một hiện tượng của đồng bằng sông Cửu Long khi tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ Nhất thành công rực rỡ; hoàn thành Công viên/bờ kè Xà No hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; thu hút 425 dự án vào đầu tư 48 ngàn tỷ đồng và 730 triệu USD; nhiều tuyến quốc lộ đối ngoại hoàn thành, phá thế độc đạo; Bệnh viện Đa khoa 500 giường đi vào hoạt động; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 13/63 tỉnh, thành…
Những "viên gạch hồng" giai đoạn đầu đã củng cố thêm nền móng vững chắc để Hậu Giang kế thừa, phát huy, củng cố hơn nữa thế trận lòng dân, nhân lên tinh thần tiến công cách mạng, đoàn kết một lòng, xác định các bước đi tiếp theo của giai đoạn và từng năm một cách phù hợp, gặt hái thêm quả ngọt.
Đó là năm 2015, kinh tế tăng trưởng bình quân (2010-2015) đạt tốc độ cao nhất; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng, gấp 2,3 lần so năm 2010; xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; toàn tỉnh còn 6,9% hộ nghèo; nhiều công trình lớn trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục - đào tạo (xây dựng xong hệ thống trường mần non, mẫu giáo cấp xã); nâng cấp đô thị, cấp điện, nước hoàn thành và phát huy hiệu quả, tình trạng đầu tư dàn trải và thiếu đồng bộ đã khắc phục dần…
Nếu gọi giai đoạn 2004 - 2010 là mốc thời gian để Hậu Giang xác định tiềm năng, thế mạnh, đặt nền móng cho phát triển vươn lên, thì 5 năm sau là bước trở mình bứt phá, định vị vị thế và giai đoạn 2015 - 2020 là thời điểm phát triển đạt về chất lượng, hài hòa, kết nối… “Nhiều nội dung trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ đạt kết quả trước thời hạn”; hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,1%; nông nghiệp từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất sạch; có 32/51 xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn 41 triệu đồng, so với năm 2015 tăng 16 triệu đồng…
Với khát vọng thoát khỏi "vùng trũng" về giáo dục - đào tạo, chỉ sau 15 năm thành lập, Hậu Giang hoàn thiện hệ thống trường lớp. Từ 8 trường đạt chuẩn vào năm 2004, năm 2019, toàn tỉnh có 215/336 trường đạt chuẩn quốc gia, so thời điểm mới thành lập tỉnh (tăng 207 trường, gấp 25 lần). Hậu Giang trở thành điểm sáng trong khu vực về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, tỉnh không còn phòng học tre lá, tạm bợ, xóa trắng xã không có trường mầm non, mẫu giáo vào năm 2013, 100% trường học có bố trí máy vi tính, mạng internet được kéo về tận trường…
Nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hậu Giang đánh dấu đỏ trên bản đồ toàn quốc về các chỉ số phát triển khi sau đại dịch sớm lấy lại đà tăng trưởng; năm 2022 tăng tốc, tạo bản lề vững chắc cho cả nhiệm kỳ. Cụ thể, năm 2022, đạt 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong đó, 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, một số chỉ tiêu vượt cao như: tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 13,94%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 4 cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long, tăng 35 bậc so năm 2021; thu nhập bình quân đầu người 65,89 triệu đồng, vượt 11 triệu đồng người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, giảm 1,46%
Đẩy mạnh chuyển đổi số
- Bên cạnh những kết quả đạt được, chắc hẳn trong quá trình phát triển Hậu Giang còn những khó khăn, thách thức, thưa ông?
- Đúng vậy. Mặc dù đạt được nhiều kết quả, Hậu Giang vẫn còn đó những thách thức, khó khăn phải đương đầu. Cụ thể, nguồn nhân lực chính là điểm nghẽn, khó khăn nhất của tỉnh. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa nhiệm kỳ cao, song đang đứng trước điểm nghẽn tăng trưởng do công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng và hiện thực hóa các dự án đầu tư mới vào tỉnh chuyển dịch chậm. Hai điểm nghẽn lớn nhất về chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược cần kiên quyết, kiên trì tháo gỡ: Hạ tầng phát triển thiếu và yếu (hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị). Năng lực, trách nhiệm của một bộ phận đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo các cấp chưa ngang tầm nhiệm vụ.
Cùng với đó là mặc dù có những kết quả, song nông nghiệp phát triển chưa bền vững, việc xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa lớn chậm được thực hiện; việc liên kết chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh thấp. Triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thị nông sản còn hạn chế. Việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ít. Một số phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thật sự phát huy hiệu quả và thiếu tính bền vững; chưa xây dựng nhiều mô hình mới trong tập hợp đoàn viên, hội viên...
- Để khắc phục những tồn tại trên, tỉnh Hậu Giang đã có những giải pháp cũng như kế hoạch gì cho mục tiêu phát triển toàn diện trong thời gian tới, thưa ông?
- Quán triệt sâu sắc quan điểm “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang chọn và xác định đây là một trong ba khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, trong đó xác định trọng tâm là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Để làm tốt công tác này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 7 văn bản liên quan đến công tác cán bộ, bao gồm 4 đề án, 1 quy định, 1 kế hoạch và 1 nghị quyết, nổi bật như: Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án 05-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Đề án số 04-ĐA/TU về “Thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; Quy định số 1120-QĐ/TU về “Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”... Các nghị quyết, đề án trong công tác cán bộ được chỉ đạo xây dựng trên tinh thần đổi mới, đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Cùng với đó, tỉnh tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác.
Để xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội..., tỉnh đã xây dựng và ban hành đồng bộ các chương trình, đề án, nghị quyết để làm cơ sở thực hiện như: Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; với mục tiêu tổng quát là: đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường sống an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh cũng xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tạo sức bật trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, tỉnh đã chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!