Theo đó, Việt Nam có 2 thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh góp mặt trong bảng xếp hạng, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng 3 bậc so với năm 2023) và TP. Hồ Chí Minh xếp ở vị trí thứ 105.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu và khảo sát 120 cư dân ở mỗi thành phố trong số 142 thành phố trên thế giới, từ đó đưa ra đánh giá về kết cấu hạ tầng và công nghệ của thành phố đã tác động như thế nào đến hiệu suất tổng thể và chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo IMD, thành phố thông minh được định nghĩa là "môi trường đô thị áp dụng công nghệ để nâng cao lợi thế và giảm thiểu những hạn chế của quá trình đô thị hóa cho người dân".
Các thành phố nằm trong top 20 hầu hết nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế và xã hội tương đối ổn định, ngay cả trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
Những thành phố này cũng đã thực hiện các sáng kiến nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống chung cho người dân, trong đó thường tập trung vào việc tạo ra không gian xanh, mở rộng cơ hội cho các sự kiện văn hóa và thúc đẩy sự gắn kết xã hội.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Ngoài ra, nhiều thành phố đã áp dụng các chiến lược đổi mới để thu hút và giữ chân nhân tài, thúc đẩy các hoạt động đầu tư bền vững và giải quyết các vấn đề lâu dài liên quan đến bất bình đẳng, chênh lệch địa lý và hòa nhập xã hội.
Phát biểu tại phiên họp trực tuyến lần thứ 8 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 24.4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, công tác chuyển đổi số của thành phố đã đạt một số kết quả quan trọng bước đầu; trong đó, lần đầu tiên lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung quản lý văn bản và điều hành thành phố; 100% các cơ quan nhà nước thành phố đã triển khai ký số văn bản; thực hiện việc xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; một số hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin dùng chung đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động nội bộ và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Thành phố cũng nghiên cứu, phát triển và chuẩn bị ra mắt ứng dụng “Ha Noi -S” với nhiều tiện ích đưa người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước của thành phố theo một phương thức mới, thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân trên nền tảng số.
Một số dịch vụ thiết thực khu vực nội đô được chỉ đạo triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, như hoàn thành kết nối hồ sơ sức khỏe điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trên 1,5 triệu người dân được tạo lập đầy đủ hồ sơ trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng dùng căn cước công dân để tra cứu thông tin; trên 14,4 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh lên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố.
Triển khai trông giữ xe hạn chế dùng tiền mặt tại các điểm do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý, bắt đầu từ ngày 15.4. Dịch vụ công trực tuyến cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được triển khai cung cấp trên ứng dụng VNeID, bắt đầu từ ngày 22.4.2024 với việc trả kết quả điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy…
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố tập trung rà soát, xác định đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin; đẩy mạnh các tính năng công nghệ hỗ trợ trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như chữ ký số, nền tảng thanh toán trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ; xây dựng và hình thành hệ thống cơ quan hành chính phục vụ công dân hiện đại, chuyên nghiệp và điện tử.
Hoàn thiện, tăng số lượng các thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức trực tuyến, đặc biệt tập trung bảo đảm vượt chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giảm tối đa chi phí của người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính.
Tập trung các giải pháp hướng đến xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của thành phố, hình thành trung tâm dữ liệu tập trung phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu là giải pháp quan trọng không chỉ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành còn là phương thức tối ưu đơn giản thành phần hồ sơ trong các giao dịch của công dân, cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính của người dân và chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.
Thành phố đang giao các đơn vị nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền việc ưu tiên hỗ trợ chữ ký số miễn phí cho công dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, miễn hoặc hỗ trợ, ưu tiên một phần phí, lệ phí đối với công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến… các dịch vụ hỗ trợ, các hình thức hỗ trợ vận chuyển bưu chính, thanh toán trực tuyến...
UBND thành phố kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các cơ quan hành chính nhà nước và bổ sung biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.