Gia Lai: Khuyến công góp phần xóa đói, giảm nghèo

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 12:17 - Chia sẻ

Hoạt động khuyến công được đánh giá là đã góp phần nâng cao đời sống của người lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, duy trì việc làm, tình hình kinh tế- xã hội, trật tự tại địa phương cũng được giữ vững, ổn định. Từ đó tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Khuyến công góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo
Khuyến công góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo

Năm 2022, Gia Lai thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia cho 4 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí hơn 13,4 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1,6 tỷ đồng. Triển khai 12 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Trong đó tập trung nhiều đề án ứng dụng máy móc hiện đại cho các cơ sở CNNT.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Gia Lai (Trung tâm) thông tin, vốn khuyến công quốc gia năm 2022 đã hỗ trợ 300 triệu đồng trên tổng kinh phí 610 triệu đồng cho Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP.Pleiku) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến bảo quản thực phẩm, bao gồm máy đóng gói tự động có công suất 40-120 gói/phút.

Sản phẩm sau khi được đóng gói bằng máy tự động sẽ đảm bảo chất lượng, góp phần giảm giá thành sản phẩm so với làm thủ công hiện nay. Đề án đã có ý nghĩa quan trọng giúp đơn vị tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thực hiện được các hợp đồng với số lượng lớn. Từ đó kích thích hoạt động sản xuất công nghiệp tại địa phương phát triển.

Nhận thức được sự hỗ trợ tích cực từ nguồn “vốn mồi” này, để phát huy hiệu quả của hoạt động khuyến công những tháng cuối năm và trong giai đoạn 2021-2025, Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công. Tăng cường rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về pháp lý và sử dụng kinh phí khuyến công cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc để triển khai các hoạt động khuyến công được đồng bộ. Hoạt động khuyến công sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khuyến công. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Chú trọng, ưu tiên cho các ngành, nghề truyền thống nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng mang tính đặc trưng của địa phương.

Để cải thiện môi trường đầu tư, đề xuất có những chính sách như hỗ trợ vốn vay, lãi suất vay, hỗ trợ dịch vụ hành chính công… nhằm duy trì, phát triển sản xuất, góp phần phát triển CNNT.

Trúc Oanh
#