Trong kế hoạch sử dụng, khai thác tài nguyên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ưu tiên số 1 của Nam Định là bố trí không gian biển để phát triển ngành thủy sản. Hiện, các địa phương đang tập trung xây dựng nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều mô hình nuôi trồng tập trung “tiên tiến, hiệu quả”
Nuôi thủy sản thành vùng tập trung được xác định là một trong những đột phá trong phát triển kinh tế, nhất là những nơi có điều kiện thuận lợi giáp biển, đem lại thu nhập cao cho người dân tỉnh Nam Định. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với hạ tầng đồng bộ giúp các hộ nuôi có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng.
Đoàn công tác của lãnh đạo huyện Giao Thủy thăm mô hình nuôi tôm cho thu nhập cao của hộ gia đình anh Trần Văn Thủy
Huyện Giao Thủy đang phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Hiện nay, huyện có hơn 1.000 cơ sở nuôi trồng trên diện tích trên 5.152ha, trong đó có gần 100 trang trại và cơ sở sản xuất ngao giống cùng nhiều loại giống thủy sản khác. Với diện tích nuôi trồng 3ha, anh Trần Văn Thủy là một trong những hộ dân đang sản xuất tôm thương phẩm tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của huyện Giao Thủy. Anh Thủy chia sẻ, ban đầu, gia đình chỉ nuôi tôm theo hình thức quảng canh, đáy ao là đất lấy nước vào ao trực tiếp không qua xử lý. Với cách nuôi này, con tôm rất dễ nhiễm bệnh bởi chất thải của tôm cũng như thức ăn dư thừa tích tụ lâu trong ao tạo mầm bệnh. Mặt khác, nguồn nước được lấy vào ao không qua xử lý dễ đưa mầm bệnh lây lan từ ao này sang ao khác.
Giai đoạn 2018 - 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, xã Giao Phong đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Theo đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi được đầu tư xây dựng, bảo đảm việc nuôi trồng thương phẩm cũng như sản xuất giống của toàn vùng. Gia đình anh Thủy đã mạnh dạn đầu tư ao nuôi, nhà xưởng, nhà kính, ứng dụng công nghệ nuôi tôm. “Nuôi tôm công nghệ cao, với khoảng 300m2 có thể đạt năng suất từ 1,6 - 2 tấn. Hiện, mỗi năm gia đình cung cấp khoảng 150 - 250 tấn tôm thương phẩm ra thị trường, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng”, anh Thủy phấn khởi nói.
Còn tại huyện Nghĩa Hưng, thủy sản nuôi tập trung chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, ngao và tôm sú tại các vùng nuôi như: cồn Xanh, Nông trường Rạng Đông, vùng ven sông Ninh Cơ… Ở vùng nuôi Nông trường Rạng Đông, hàng năm tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 1.000 tấn. Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đang ngày càng được quan tâm đầu tư hạ tầng, kỹ thuật thâm canh cao. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Lương Bằng nuôi 2,5ha tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi Nông trường Rạng Đông. Để nuôi tôm đạt hiệu quả, ông chia thành những ao nhỏ với diện tích 500 - 1.000m2/ao. Ao nuôi được thiết kế nổi, xây bằng bê tông, đáy lót bạt, giữa đáy được thiết kế ống hút chất thải của tôm (xi - phông đáy) đưa ra một khu ao thải (rộng khoảng 1.500m2) và được xử lý bằng chế phẩm vi sinh trước khi ra kênh thải của toàn khu nuôi tập trung. Việc quy hoạch vùng nuôi tập trung vừa giúp ông và các hộ nuôi thủy sản dễ dàng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, vừa tạo điều kiện giúp người nuôi quản lý nguồn nước vào ao. Để bảo đảm an toàn cho ao nuôi, ông Bằng còn áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn cho các ao nuôi giúp tiết kiệm nước, tăng tỷ lệ sống của con nuôi, bảo đảm chất lượng con giống và không gây ô nhiễm môi trường. Với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản, mỗi năm cho thu hoạch trung bình 30 tấn tôm.
Đẩy mạnh các chuỗi giá trị
Có thể khẳng định, phương thức nuôi tôm từ quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng theo quy trình VietGAP, nuôi công nghệ cao đang ngày càng được nhân rộng ở các mô hình nuôi trồng thủy sản ở Nam Định. Việc nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ đẩy mạnh sản lượng, chất lượng sản phẩm thủy hải sản mà còn là tiền đề hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thủy hải sản.
Năm 2022, kinh tế thủy sản tỉnh Nam Định đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm, cơ cấu chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 187.300 tấn. Để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng, nâng mức thu nhập cho người nuôi, thời gian qua, Sở NN-PTNT và các địa phương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển nuôi trồng thủy sản theo liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, trong đó, chủ trương phát triển song song giữa nuôi trồng thương phẩm và sản xuất con giống. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng nuôi nước ngọt, nước mặn lợ theo quy hoạch, nhất là nuôi tôm theo hướng thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các cấp, chính quyền, đơn vị liên quan quan tâm, có cơ chế chính sách đầu tư phát triển, cải tạo nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi, đồng thời kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi đa dạng các đối tượng thủy sản.
Thực hiện chỉ đạo của Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, Trung tâm giống thủy đặc sản tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh sản xuất giống một số đối tượng nuôi mặn, lợ như: cua biển, cá hồng Mỹ, hàu Thái Bình Dương và hàu cửa sông. Ngoài ra, Trung tâm còn hợp đồng với một số doanh nghiệp chuyên sản xuất tôm thẻ chân trắng giống như: Công ty TNHH Việt Úc, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam để nghiên cứu, ứng dụng quy trình thuần hóa tôm thẻ chân trắng giống từ kích cỡ nhỏ (P8) lên kích cỡ lớn (P15), bảo đảm cân bằng các yếu tố môi trường trong bể ươm và ao nuôi. Năm 2022, Trung tâm đã thuần hóa 3 triệu con tôm sú, 20 triệu con tôm thẻ chân trắng, 15 vạn con cua biển, 5 vạn cá giống các loại, 2,5 tỷ con nhuyễn thể, 12.000 chùm hàu Thái Bình Dương…
(Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường)