Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 37% kế hoạch
Ngày 8.12, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Đồng Nai khoá X, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã báo cáo giải trình bổ sung một số nhiệm vụ trong tâm trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 30.11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh là 5.458 tỷ đồng, đạt 375 kế hoạch, thấp hơn bình quân cả nước khoảng 60,1%, đứng thứ 54/63 tỉnh, thành.
Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó nguyên nhân chính là do công tác thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (hiện nay đã phân cấp về địa phương thực hiện); công tác này bước đầu còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng, vướng mắc trong quá trình thục hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa ban hành được quy định giá đền bù cây cao su nên việc triển khai các dự án đầu tư công liên quan đến đất cao su không thể thực hiện được.
Người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để giải quyết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh sẽ quán triệt công tác, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 ngay sau Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh.
Yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương được bố trí vốn năm 2024 phải xây dựng đường găng công việc của từng dự án; theo dõi đôn đốc tiến độ theo tuần, tháng, quý để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc.
Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã phân cấp việc định giá đất cho UBND các huyện/thành phố, giao Sở Tài chính tập huấn cho các địa phương để công việc định giá đất ngày càng đi vào nền nếp. Đồng thời, làm việc cụ thể các đơn vị tư vấn định giá đất rút ngắn quy trình, thủ tục để rút ngắn thời gian ban hành chứng thư thẩm định giá.
Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh, UBND các huyện, thành phố rà soát cơ cấu tổ chức, bộ máy, con người, năng lực chuyên môn của trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện/thành phố và các phòng, ban chuyên môn có liên quan để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Rà soát lực lượng địa chính cấp xã, phường, thị trấn có thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để điều động, tăng cường, đảm bảo công tác kiểm kê, chú trọng công tác xác nhận nguồn gốc đất.
UBND các huyện, thành phố rà soát việc triển khai các dự án khu tái định cư trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu di dời dân khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới. Khẩn trương rà soát việc nợ tái định cư trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, xác định tiến độ, lộ trình để trả nợ tái định cho người dân; tham mưu UBND tỉnh về nguồn lực, cơ chế, chính sách để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, xây dựng Nghị quyết riêng giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Ba khu đất trị giá gần 640 tỷ đồng chưa được đấu giá
Một vấn đề khác được cử tri và các đại biểu quan tâm là công tác đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo kế hoạch của năm 2023, tỉnh tổ chức đầu giá 3 khu đất có diện tích khoảng 58ha trị giá khoảng gần 640 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có khu đất nào được đấu giá thành công. Trong đó, 1 khu đã thông báo đấu giá 2 lần nhưng không có người tham gia và 2 khu đất khác đang được đơn vị tư vấn thực hiện xác định giá khởi điểm. Điều này khiến công tác đấu giá đất bị chậm so với kế hoạch đề ra.
Liên quan đến vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã cơ bản thống nhất với Tổng công ty Cao su Đồng Nai về phương pháp, cách tính hỗ trợ bồi thường khi thu hồi đất cao su.
Ngoài ra, trung tâm phát triển quỹ đất các cấp cần tập trung tối đa việc triển khai lập chủ trương đầu tư, lập quy hoạch xây dựng 1/500, đưa vào chương trình phát triển nhà ở... để đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định trước khi đấu giá.
Để xác định giá khởi điểm đấu giá đất, UBND tỉnh Đồng Nai giao sở Tài chính làm việc với các đơn vị tư vấn giá đất trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ thực hiện tốt công tác tư vấn giá khởi điểm trong thời gian tới.
Ngoài ra, công tác quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã thông qua Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với 4 nhiệm vụ chủ yếu, 4 khâu đột phá và xây dựng 8 phương án phát triển. Trong đó, chọn kịch bản tăng trưởng khả thi, với tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%.
Hiện nay, báo cáo cuối kỳ quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã trình hội đồng thẩm định quốc gia, dự kiến hoàn thành trong tháng 12. 2023, thông qua HĐND tỉnh trong tháng 1.2024 và hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I năm 2024.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Nai và kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Xây dựng cùng UBND các huyện, thành phố tập trung tối đa nguồn lực lập quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch sử dụng đất để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đảm bảo đồng bộ, tạo thuận lợi thu hút dự án đầu tư, kiên quyết không để xảy ra trường hợp sai lệch giữa các loại quy hoạch như trong thời gian qua.