Vừa qua, 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh đã tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III năm 2023 diễn ra tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Hội nghị đã thống nhất kiến nghị nhiều nội dung quan trọng về việc triển khai dự án Vành đai 3, Vành đai 4; hệ thống đường cao tốc, đường sắt đô thị liên kết vùng; cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng; tổ chức điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, Đông Nam Bộ là khu vực có trình độ phát triển kinh tế cao, năng động, đô thị phát triển, lực lượng lao động dồi dào. Giữa các địa phương trong vùng có sự gắn kết mạnh mẽ về không gian địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển. Sự phát triển của từng địa phương tạo nên sự phát triển của cả vùng và sự phát triển của vùng tạo động lực phát triển từng địa phương.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu coi trọng mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng. Tỉnh xác định thị trường gần 20 triệu dân và sự phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng chính là tiềm năng, cơ hội để tỉnh phát huy mạnh mẽ kinh tế biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, sự phát triển của từng địa phương làm nên sự phát triển của toàn vùng và sự phát triển của vùng là động lực hỗ trợ sự phát triển của mỗi địa phương góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Do đó, vấn đề liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng quan trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng cho rằng, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ cần có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa để đẩy nhanh các dự án trọng điểm kết nối vùng.
Còn trong xây dựng quy hoạch, các địa phương cũng cần có sự liên kết, quy hoạch vùng phải phù hợp với từng tỉnh, thành và quy hoạch từng tỉnh thành phải dựa trên định hướng phát triển chung của vùng.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đường Vành đai 3 cơ bản đang đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên vẫn còn vướng hai vấn đề cần giải quyết là giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng. Theo đó, các địa phương có dự án đi qua cần thúc đẩy đảm bảo tiến độ dự án.
Đối với các địa phương còn vướng về giải phóng mặt bằng cần tập trung giải quyết; cùng tìm giải pháp và kiến nghị về vấn đề vật liệu xây dựng cho dự án.
Trong quý 4.2023, TP. Hồ Chí Minh sẽ quyết tâm trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư hai dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; khởi động lại cao tốc Bến Lức- Long Thành; mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Dầu Giây; chuẩn bị cho mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Đồng thời thúc đẩy, nghiên cứu mạnh hơn tuyến đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long Thành (Đồng Nai); Biên Hòa-Vũng Tàu; TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; Ga đường sắt quốc gia và có kết nối với đường sắt cao tốc. Đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến 1 nối dài và các kế hoạch đường sắt của Đồng Nai, Bình Dương.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về cơ chế đặc thù vùng thống nhất kiến nghị vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và xác định các nội dung đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, các địa phương Đông Nam Bộ có thể được áp dụng các cơ chế như trong Nghị quyết 98. Hoặc cho các địa phương lựa chọn từ Nghị quyết 98 ra vấn đề cụ thể như thí điểm mô hình phát triển đô thị (TOD), thu hút nhà đầu tư chiến lược, các hình thức đầu tư PPP, thúc đẩy phát triển khoa và công nghệ, quỹ hạ tầng vùng, phân cấp phân quyền cho các địa phương.