Thực hiện Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, Khánh Hòa

Đặc biệt quan tâm đến sinh kế của người dân

- Thứ Ba, 14/03/2023, 06:18 - Chia sẻ

Với định hướng phát triển trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế, Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 là cơ hội tạo đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; góp phần tăng nhanh quỹ nhà ở, nâng cao đời sống cho người dân; tạo nên không gian đô thị hiện đại, đồng bộ. Nhấn mạnh nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Uy Viễn khẳng định: quá trình triển khai thực hiện, huyện luôn chú trọng tạo đồng thuận, nhất là quan tâm đến sinh kế của người dân.

Tạo đồng thuận của người dân

- Thưa ông, việc triển khai thực hiện Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 được kỳ vọng sẽ tạo những đột phá như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Đặc biệt quan tâm đến sinh kế của người dân -0
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Huỳnh Uy Viễn

- Từ một đô thị loại 5 với hạ tầng kinh tế - xã hội chỉ phát triển ở mức trung bình, theo Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045, huyện Cam Lâm được định hướng phát triển trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Đây là cơ hội tạo đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng nhanh quỹ nhà ở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Quy hoạch được triển khai sẽ giúp đời sống người dân được cải thiện đáng kể do được tiếp cận với các dịch vụ hạ tầng cơ bản, điều kiện nhà ở và môi trường được cải thiện; đồng thời, sẽ tạo việc làm, tăng thu ngân sách, tăng tỷ lệ đô thị hóa. Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm là công cụ quan trọng để triển khai các nội dung liên quan nhằm góp phần tạo nên không gian đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh, tạo diện mạo mới cho quê hương Cam Lâm.

- Để bảo đảm đồng thuận của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Đồ án, huyện đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

- Đây là một Đồ án có quy mô lớn và chưa có tiền lệ nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu và đồng thuận. Trong các đợt tổ chức lấy ý kiến về Đồ án Quy hoạch, đa số nhân dân trên địa bàn huyện đồng thuận với chủ trương phát triển đô thị Cam Lâm nhưng vẫn có những quan tâm, trăn trở. Đó là: công tác đền bù, tái định cư ra sao; nghề nghiệp, sinh kế của người dân như thế nào? Một số ý kiến xoay quanh vấn đề khối lượng kênh đào lớn ảnh hưởng đến nguồn nước, xâm nhập mặn, và còn nghi ngờ tính khả thi của quy hoạch… Những trăn trở của người dân không thể tránh khỏi.

Quá trình tiếp thu ý kiến của các ngành, các cấp và nhân dân, huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giải thích, làm rõ các ý kiến, kiến nghị của người dân. Từ đó, được bà con nhân dân đồng lòng, tích cực tham gia góp ý xây dựng cho Đồ án quy hoạch đô thị mới của huyện.

Chính sách đào tạo nghề phù hợp, sát thực tế

- Một vấn đề người dân rất quan tâm khi triển khai Đồ án chính là việc làm và sinh kế được huyện quan tâm thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, huyện đã khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động ở 14 xã, thị trấn theo từng nhóm tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn, học vấn, nhóm việc làm để có chính sách đào tạo phù hợp, sát thực tế. Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Theo đó, người lao động bị thu hồi đất trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị mới Cam Lâm sẽ được học nghề, tạo việc làm để góp phần nâng cao thu nhập, đời sống. Theo đề án, ngoài hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp với mức tối đa 3 triệu đồng/người bị thu hồi đất/khóa học, còn hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày học và tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú hơn 15km. Đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, người học sẽ được hỗ trợ học phí cho cả khóa học.

Cùng với đó, người bị thu hồi đất còn được hỗ trợ việc làm trong nước thông qua hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc đô thị mới Cam Lâm sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động sau khi được đào tạo nghề. Ngoài ra, người bị thu hồi đất được ưu tiên bố trí việc làm tại nơi hộ gia đình có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án, hoặc từ những hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã thông qua chính sách việc làm; được hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61 của Chính phủ với mức hỗ trợ vay vốn tối đa 100 triệu đồng/người.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!        

THANH MAI thực hiện