Cùng chính quyền an dân, an sinh
Sau hơn 2 năm vừa chống dịch, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế, đời sống người dân nói chung, người nghèo, người yếu thế và đồng bào các dân tộc vùng cao Ba Vì, Hà Nội nói riêng đã trở lại nhịp điệu vốn có. Kết quả này có sự đóng góp lớn của các cán bộ tín dụng chính sách - những người luôn tận tâm, tận lực chuyển tải nguồn vốn, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; giúp chính quyền địa phương nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự tin tưởng trong Nhân dân.
Vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Huyện ủy, UBND, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ba Vì đã rốt ráo vào cuộc, nhằm gỡ khó và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là người yếu thế trên địa bàn sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa Ba Vì trở thành huyện có số dư tín dụng lớn nhất cấp huyện toàn quốc.

Đến cuối tháng 5.2022, tổng nguồn vốn quản lý và huy động đạt 850,2 tỷ đồng, tăng 44.24 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 846,32 tỷ đồng, với 13 chương trình tín dụng chính sách cho 17.273 hộ vay với trên 22.418 lượt hộ vay, tăng 41,1 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ bình quân đạt 48,9 triệu đồng/hộ, cơ bản hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách được giao, hiệu suất sử dụng vốn trong năm đạt trên 99%.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay của toàn huyện đạt 167,2 tỷ đồng, giúp hơn 4.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó, nguồn vốn đã giúp 557 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ổn định cho gần 2.000 người lao động thiếu việc làm; cho vay 1.500 hộ gia đình để xây dựng và cải tạo 3.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay trên 300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để trang trải chi phí học tập…
Với tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH huyện Ba Vì luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách. Có thể thấy rõ sự tận tâm của những cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Ba Vì qua sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; sự sáng tạo, quyết liệt trong chuẩn bị và chuyển tải nguồn vốn đến với các đối tượng một cách an toàn, nhanh chóng, thuận lợi và bảo đảm chất lượng tín dụng, không để nợ xấu phát sinh.
Tiếp sức và lan tỏa tinh thần hiếu học
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ tác động toàn cầu đã làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội; cộng thêm, dịch bệnh, thiên tai luôn diễn biến khó lường, NHCSXH từ trung ương đến địa phương luôn quán triệt thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao phó. NHCSXH Ba Vì cũng không ngoại lệ, toàn thể Phòng giao dịch luôn sáng tạo, tìm mọi cách chuyển tải nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu người dân. Nhờ đó, cuộc sống của những người yếu thế đã bớt đi nhọc nhằn khi dịch Covid-19 bùng phát; học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học…
Ngoài nguồn vốn vay học sinh sinh viên vẫn được chuyển tải đầy đủ đến các đối tượng có nhu cầu; NHCSXH huyện Ba Vì đã khẩn trương phối hợp với UBND các xã trên địa bàn và các hội, đoàn thể ủy thác vay vốn thực hiện giải ngân cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Đơn cử, ngay trong tháng 5 vừa qua, Phòng giao dịch đã giải ngân số tiền 680 triệu đồng cho học sinh, sinh viên nghèo thuộc xã Phong Vân để mua máy tính học tập. Hiện nay, chương trình vẫn đang tiếp tục lan tỏa sang các xã trên địa bàn.
Đối tượng được vay vốn là học sinh các cấp đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục; học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp… Mỗi học sinh, sinh viên được vay tối đa 10 triệu đồng/người với lãi suất 1,2%/năm, thời hạn 36 tháng để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến như máy tính để bàn; máy tính xách tay; máy tính bảng; các thiết bị ghi hình kỹ thuật số (webcam); thiết bị thu thanh (microphone).
Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình (đại diện hộ gia đình của học sinh, sinh viên là người đứng tên vay và giao dịch với NHCSXH). Trường hợp đối tượng đã đủ 18 tuổi, được trực tiếp đứng tên vay vốn tại NHCSXH nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở nếu hộ gia đình không còn thành viên nào đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Đây là chương trình tín dụng mới được thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng. Việc giải ngân sẽ được hệ thống NHCSXH thực hiện trong trong 2 năm 2022, 2023 và kết thúc vào thời điểm ngày 31.12.2023 hoặc thời điểm thông báo hết nguồn vốn cho vay nêu trên.