Phát huy hiệu quả lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư
Trong bối cảnh nguồn NSNN còn hạn hẹp, bằng quyết sách đúng đắn, Quảng Ninh đã huy động được một nguồn lực to lớn từ xã hội để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật tốt, thu hút ngày một nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục kiên định mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Nguồn vốn từ ngân sách sẽ được phân bổ đầu tư cho những dự án động lực, trọng điểm có tính chất kích thích, khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Trong đó, tập trung đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đáng chú ý, ngoài các công trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XV quyết nghị, Quảng Ninh hết sức ưu tiên nguồn lực thực hiện các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, chế biến chế tạo, kinh tế số, xã hội số và chính quyền số và môi trường…
Trong giai đoạn trước đó (2014 - 2020), tỉnh Quảng Ninh đã huy động, thực hiện đầu tư 29 dự án theo hình thức PPP, với tổng nguồn vốn trên 46.000 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng 5.163 tỷ đồng, chiếm 11% (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng). Đến nay, nhiều công trình trọng điểm, có tính chất động lực thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau.
Đặc biệt, đáng ghi nhận là trong thời điểm tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn là điểm thu hút đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đây tiếp tục minh chứng cho hướng đi đúng đắn của tỉnh trong thực hiện xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, cũng phản ánh sự tin tưởng, sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh.
Tập trung nguồn lực cho các dự án tạo động lực phát triển
Các nguồn vốn thuộc kế hoạch năm đều được tỉnh giao sớm và phân bổ chi tiết đến từng dự án và chủ đầu tư để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm, nguồn vốn được bố trí tập trung, không dàn trải. Việc phân bổ vốn đã được chủ đầu tư ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và dành cho những công trình cấp bách. Những công trình khởi công mới trên địa bàn tỉnh cũng đã được kiểm soát chặt chẽ, không để đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối vốn gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đặc biệt, thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã được các chủ đầu tư quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, nên công tác quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn tỉnh đã thực sự chuyển biến tích cực ở tất cả các khâu: lập báo cáo, trình thẩm tra và thẩm tra, phê duyệt quyết toán. Điều này góp phần giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản và thanh quyết toán trên địa bàn tỉnh.

Việc lựa chọn phương thức đầu tư, huy động nguồn lực và triển khai thực hiện các dự án phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực, quản lý đầu tư, quản lý dự án sau đầu tư. Các địa phương, chủ đầu tư cần tiếp tục nâng cao năng lực thẩm định các dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực; kiên quyết loại bỏ các đơn vị tư vấn không có chất lượng, nhà thầu không đủ năng lực...
Với sự cương quyết trong điều hành, chỉ đạo của tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các địa phương cùng chủ đầu tư, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển được phát huy tối đa hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch
Năm 2024 là năm tăng tốc cũng như chuẩn bị cho về đích thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định nâng cao tính chủ động trong nắm bắt, dự báo tình hình tài chính ngân sách, tính toán, xác định nguồn còn lại ở giai đoạn 2021 - 2025 và hai năm 2024 - 2025 để cân đối tổng thể nguồn lực một cách vững chắc và kịp thời có các cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương thực sự hiệu quả.
Tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính NSNN. Tiếp tục cơ cấu lại gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn NSNN; thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung chi đầu tư phát triển, tăng chi bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền.
Các ngành, địa phương cũng được yêu cầu phải làm tốt hơn công tác chuẩn bị đầu tư; đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; phát huy vai trò năng động sáng tạo của cấp huyện trong giải ngân vốn đầu tư công; có cơ chế khuyến khích, ưu tiên bố trí vốn NSNN đầu tư công phần vốn ngân sách cấp tỉnh cho những địa phương đã có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 bảo đảm sự sẵn sàng cao nhất trong thực hiện các thủ tục đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Quá trình thực hiện bảo đảm nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho 3 đột phá chiến lược đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; các lĩnh vực ưu tiên vùng động lực, vùng khó khăn, phòng chống biến đổi khí hậu, các công trình dự án trọng điểm được xác định trong Đại hội XV và các dự án quan trọng mới bổ sung có sức lan tỏa cao; bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng miền, vừa gia tăng động lực cho tăng trưởng, vừa tạo động lực để thu hút nguồn vốn ngoài xã hội.
Đáng chú ý, tỉnh cũng hết sức coi trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong lĩnh vực thu NSNN. Chỉ đạo các ngành chức năng phân tích, dự báo những khó khăn, thách thức đối với từng ngành, lĩnh vực để có giải pháp phù hợp, kịp thời phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Ngành thuế đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung đánh giá, phân tích, dự báo những yếu tố ảnh hưởng tới nguồn thu; rà soát các khoản thu, các nguồn thu tiềm năng...
Từ đó, tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác, chống thất thu để bù đắp các khoản hụt thu do tác động của những nguyên nhân khách quan; đồng thời tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ NSNN. Việc công khai ngay từ đầu năm về các biện pháp quản lý nguồn thu, chống thất thu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cộng với sự minh bạch và dân chủ trong huy động, phân bổ nguồn lực NSNN đã góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển các lĩnh vực trên địa bàn.