Bài cuối:  Lồng ghép các chương trình theo hướng tiếp cận đa chiều

Diệp Anh 16/08/2022 05:59

Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm, trong đó, khu vực miền núi 2 - 3%; đến cuối năm 2025, đạt mức thấp hơn bình quân chung cả nước… tỉnh Nghệ An đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chú trọng đổi mới cách tiếp cận; huy động nguồn lực từ cộng đồng và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tiếp cận đa chiều; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo…

Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, giảm dần hình thức “cho không”

Làm sao để giúp người dân thoát nghèo bền vững đang là bài toán đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Nghệ An. Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, muốn giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo, quan trọng nhất phải làm thực chất. Trên cơ sở xác định được hộ nghèo, cận nghèo hay xã, thôn, bản nghèo một cách thực chất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tương xứng. Cùng với tiếp tục đầu tư cho hạ tầng thiết yếu, cần có các chính sách chuyển tiếp để động viên người dân vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các mô hình bảo tồn, phát triển các sản vật thế mạnh địa phương, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho người dân.

Tỉnh Nghệ An đang tập trung đẩy mạnh phong trào “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau
Nghệ An tập trung đẩy mạnh phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Giai đoạn 2021 - 2025, Nghệ An xác định mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu và được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm hơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%; phấn đấu đến cuối năm 2025 có từ 1 - 2 huyện thoát nghèo; 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản…

Khảo sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh mới đây, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vùng DTTS. Quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo, nên ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và giảm dần hình thức “cho không” để người dân chủ động vươn lên giảm nghèo bền vững. Đồng thời, huy động nguồn lực từ cộng đồng và lồng ghép các chương trình khác để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo.

Cùng với đó, cần nghiên cứu sửa đổi tiêu chí hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; có chương trình đào tạo nghề riêng cho vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS. “HĐND, UBND tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân và người nghèo, tạo chuyển biến về nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên để người nghèo tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng”, bà Lô Thị Kim Ngân đề nghị.

Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo

Thực tế, để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm giảm từ 1 - 1,5% tỷ lệ hộ nghèo, riêng khu vực miền núi từ 2 - 3%; cuối năm 2025, giảm xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước… tỉnh Nghệ An phải triển khai các giải pháp giảm nghèo thiết thực và hiệu quả hơn. Theo UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”; động viên, khuyến khích người nghèo vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn 11 huyện miền Tây theo phân công của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, cần đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng chính sách xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân như chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, các chính sách tín dụng xã hội, chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về nhà ở, nước sạch… Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn…

Có thể thấy, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã định hướng rất rõ: Đối với hộ nghèo có khả năng thoát nghèo thì quan trọng nhất là giúp họ chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Với những hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài cuối:  Lồng ghép các chương trình theo hướng tiếp cận đa chiều
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO