Để hướng tới mục tiêu xây dựng Đảng bộ thành phố thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm của toàn Đảng bộ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn coi trọng việc đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo; nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém, không né tránh việc khó; chủ động dự báo, phân tích những lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, rủi ro; xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những phức tạp phát sinh…
Để thực hiện được những mục tiêu quan trọng này, trong các nhiệm kỳ Đại hội gần đây, Thành ủy Hà Nội luôn xây dựng các chương trình công tác nhằm triển khai nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, có triển khai thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4.7.2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.
Kết quả toàn Đảng bộ thành phố đạt được sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU cho thấy, nhờ niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được nâng lên, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân được bền chặt nên mọi vấn đề đều được tháo gỡ, giải quyết thuận lợi hơn rất nhiều. Và cầu nối gần gũi nhất, thiết thực nhất, tuyệt vời nhất giữa dân với Đảng, Đảng với dân chính là từ những “hạt nhân” chính trị ở cơ sở. Những cánh tay nối dài của Đảng nắm chủ trương của Đảng, biến thành quyết sách hành động của Nhân dân, được Nhân dân đồng thuận, tín nhiệm, ủng hộ. Sâu xa hơn nữa đó là Đảng đã ngày càng gần dân hơn nữa.
Đặc biệt, với Nghị quyết chuyên đề này, Hà Nội đã thực hiện được triệt để việc đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị gắn với tái cấu trúc bộ máy bắt đầu ngay từ cơ sở theo hướng gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện. Đội ngũ cấp ủy ở cơ sở đã phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, phát huy được năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh, nể nang trong công việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân...
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy, rõ nét nhất là những chuyển biến, thống nhất cao về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; coi "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tố chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Qua đó, góp phần tích cực xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, tạo sự chuyển biến về "chất", bảo đảm tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở…
Dù đạt những kết quả hết sức quan trọng toàn diện, song theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Tổ chức Thành ủy, công tác nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tố chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tồn tại cần tập trung chấn chỉnh, tháo gỡ bằng tinh thần quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực. Trong đó, nguyên nhân của những tồn tại ngoài yếu tố khách quan thì còn xuất phát từ nhận thức của một số cấp ủy cơ sở, cán bộ, đảng viên trong quán triệt thực hiện Nghị quyết còn chưa thực sự thấu đáo, dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ rà soát, củng cố TCCSĐ, giải quyết các vụ việc phức tạp, nổi cộm có lúc, có việc còn chưa chủ động, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả hạn chế.
Thực tế những hạn chế, tồn tại được chỉ rõ qua tổng kết cũng cho thấy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tập thể cấp ủy, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa quyết liệt; kiến thức, năng lực, kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đối thoại, xử lý điểm nóng còn hạn chế. Vẫn còn một số nơi chưa thực hiện tốt các quy định về công tác cán bộ, bố trí cán bộ không đủ năng lực trình độ, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đảng bộ; chất lượng sinh hoạt chi bộ chậm đổi mới, công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để theo quy định; công tác đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên có nơi chưa sát tình hình thực tiễn.
Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại một số đơn vị chưa chặt chẽ, quyết liệt, sâu sát, còn để xảy ra vi phạm dẫn đến những vụ việc phức tạp, nổi cộm; Công tác đối thoại với người dân trong quá trình giải quyết các vụ việc chưa thực sự được chú trọng dẫn đến chất lượng giải quyết chưa cao, chưa hết trách nhiệm, thẩm quyền, chưa giải quyết dứt điểm vụ việc từ cơ sở; Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn hạn chế dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận Nhân dân trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng chưa cao, còn những trường họp cố tình vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy chưa thường xuyên; việc tiến hành kiểm điểm, đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật, từ thực tiễn triển khai thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy xác định, các nhiêm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới là tiếp tục bám sát 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 16.6.2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tăng cường củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “trách nhiệm của ngườỉ đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng quy định, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có tính chất chây ỳ, kéo dài; chủ động phát hiện và kịp thời xử lý các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Định kỳ đánh giá chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; trọng tâm là những địa bàn có các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự đế rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tiếp tục rà soát các TCCSĐ cần củng cố hoặc cần quan tâm, xây dựng các đề án, kế hoạch để củng cố nâng cao chất lượng TCCSĐ theo Hướng dẫn số 05-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy.
Cùng với đó, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình TCCSĐ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình TCCSĐ. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của TCCSĐ; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp uỷ viên cơ sở. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên. Kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên.
Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật cũng đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, TCCSĐ; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. Tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với TCCSĐ... Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên. Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa TCCSĐ, đảng viên với Nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng TCCSĐ, cán bộ, đảng viên…
Tuấn Nguyên - Văn Anh - Bảo Trâm - Xuân Tùng