Nhờ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, kể từ khi Nghị quyết số 15-NQ/TU được triển khai vào cuộc sống, chất lượng hoạt động của TCCSĐ trong toàn Đảng bộ thành phố đã có bước chuyển biến tích cực. Việc phát hiện sớm, xử lý nhanh các vấn đề, vụ việc để giữ ổn định tình hình ngay từ cơ sở, không phát sinh "điểm nóng được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, làm tăng niềm tin của người dân, từ đó tạo sự đồng thuận, ổn định từ cơ sở.
Trong những năm qua, hệ thống chính trị ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phát hiện, giải quyết, tháo gỡ và xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh trên địa bàn, trong dư luận, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những vụ việc phức tạp ở các mức độ khác nhau tại các xã, phường, thị trấn cần được quan tâm, giải quyết. Trong phần lớn vụ việc phức tạp được rà soát thì chủ yếu liên quan đến 3 lĩnh vực: Quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng. Đặc biệt, có những vụ việc tính chất nghiêm trọng, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, thực tế cho thấy, có khoảng 70% số vụ việc khiếu kiện kéo dài và phức tạp của thành phố liên quan đất đai, nhất là khi phải thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện chính sách này, các đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu; đồng thời, lãnh đạo các địa phương cần lắng nghe, quan tâm giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ đầu để tránh diễn biến phức tạp.
Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội nêu rõ, cùng với yêu cầu tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của các cấp ủy và tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ thành phố thì trọng tâm hiện nay là xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố TCCSĐ yếu kém. Kiểm soát tốt tình hình ở cơ sở, kiên quyết không để diễn biến thành điểm nóng, đồng thời không để phát sinh các vụ việc phức tạp mới. Với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, Nghị quyết xác định, ngoài những giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu… thì phát huy dân chủ trong Đảng, đi đôi với thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng là hết sức quan trọng.
Theo đó, đối với các địa bàn có những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Ban Thường vụ cấp ủy trên cơ sở rà soát nắm chắc tình hình, phân loại theo vụ việc theo tính chất, mức độ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đánh giá thực chất về năng lực lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Dự báo tình hình, đề ra đường lối lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện... Kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm an ninh trật tự, tuyên truyền, vận động, đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo; tập trung giải quyết thỏa đáng những vấn đề dân sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến đại bộ phận người dân trên địa bàn.
Các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nói trên, đã góp phần tăng cường niềm tin, sự đồng thuận của người dân đối với cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của địa phương và thành phố. Thực tế công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội thời gian qua là một minh chứng hết sức điển hình cho thấy hiệu quả từ những chủ trương đúng đắn của Thành ủy Hà Nội thông qua việc đưa Nghị quyết số 15-NQ/TU đi vào cuộc sống.
Ngay từ ban đầu, xác định công tác GPMB là lĩnh vực khó nhất, phức tạp nhất khi triển khai mỗi dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy và Ban Dân vận 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua (Hà Đông, Sóc Sơn, Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng) đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu; xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân để nhân dân hiểu và nắm rõ được tầm quan trọng của việc thực hiện dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình; đôn đốc chính quyền quan tâm tổ chức đối thoại, tọa đàm, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của người dân liên quan đến công tác GPMB…
Nhờ thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” và đưa chủ trương triển khai dự án đường Vành đai 4 đến từng người dân, không khí đồng thuận, ủng hộ đã tỏ lan tại các địa phương có dự án đi qua. Đơn cử như tại xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), dù là địa bàn có số mộ cần di dời nhiều nhất huyện với 200 ngôi, song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ngay từ khi thành phố chưa chốt giá, chưa phân bổ kinh phí bồi thường, người dân trong xã đã tiến hành di dời phần mộ của người thân về nghĩa trang tập trung ở các thôn để bàn giao mặt bằng phục vụ dự án.
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mê Linh Lê Sỹ Cường cho biết, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đã chủ trì hơn 40 cuộc tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của nhân dân liên quan đến công tác GPMB dự án Đường Vành đai 4. Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trên, kiến nghị, đề xuất của nhân dân cũng như những khó khăn, vướng mắc đã được xử lý kịp thời, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân trong quá trình GPMB, triển khai dự án.
Không chỉ riêng Mê Linh, quá trình thực hiện giải phóng mặt bàng dự án đường Vành đại 4 – Vùng Thủ đô tại các địa phương cho thấy, sự vào cuộc với quyết tâm cao, tinh thần quyết liệt và gương mẫu của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu từ huyện đến cơ sở đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị. Đây cũng là nhân tố chủ đạo để huy động sức mạnh từ sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển.
Những kết quả trên là minh chứng rất rõ nét về hiểu quả kể từ khi Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đi vào cuộc sống. Niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp không phải là những phiếu điều tra xã hội học được thực hiện hàng năm, mà thể hiện bằng sự đồng thuận, ủng hộ với các chủ trương mới, lớn của thành phố cũng như các địa phương. Dù vậy, theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, vẫn còn có địa bàn giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài chưa đạt kết quả mong muốn, tiến độ chậm. Một số vụ việc đã giải quyết, tổ chức cơ sở đảng đã củng cố nhưng chưa vững chắc. Vẫn còn cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư dẫn đến vướng mắc kéo dài.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các địa phương cần chú trọng giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ ban đầu và phải giải quyết triệt để, không để tồn tại kéo dài. Công tác điều động, luân chuyển, quy hoạch và bố trí cán bộ của các địa phương cũng cần gắn với thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU để tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở, phát huy được vai trò của người đứng đầu, từ đó "kéo" cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo sự ổn định, đồng thuận ngay từ cơ sở.
Tuấn Nguyên - Văn Anh - Bảo Trâm - Xuân Tùng