Nghị quyết căn cơ, đề án cụ thể
Thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TU ngày 1.5.2022 của Tỉnh ủy Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, năm 2022, huyện Quản Bạ đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng Đề án số 16 ĐA/HU. Cụ thể, huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện từ huyện đến xã, tạo sự đồng thuận, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình triển khai đề án, các địa phương đã tổ chức gặp mặt, tọa đàm với người có uy tín, nghệ nhân, trưởng dòng họ nhằm nhận diện và tuyên truyền mục đích, ý nghĩa về xóa bỏ hủ tục trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Viên Thị Mai Lan cho biết, thông qua các buổi tọa đàm, nhận thức người dân đã được thay đổi, nhất là nhận được sự đồng thuận của người có uy tín, nghệ nhân dân gian, trưởng các dòng họ. Đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ hủ tục vì họ là những người trực tiếp thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng.
Một trong những người tích cực trong cuộc vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TU phải kể đến đồng chí Giàng Mí Vư - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Dân vận thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân. Đồng chí Giàng Mí Vư là một trong số ít người còn biết làm thủ tục trong đám tang người Mông, thổi kèn đám ma. Do đó, đám tang nào trên địa bàn không thực hiện theo Nghị quyết số 27/NQ-TU (không cho người chết vào áo quan, tổ chức quá 48 tiếng…) đồng chí sẽ không hỗ trợ thực hiện các nghi lễ.
Hay, ông Vàng Xín Dư, một cán bộ về hưu người Mông ở xã biên giới Tả Ván của huyện Quản Bạ, người rất tâm đắc với Nghị quyết số 27-NQ/TU. Bản thân ông luôn gương mẫu và vận động Nhân dân thực hiện xoá bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Năm 2023, khi ông qua đời, các con ông đã thực hiện đúng theo di nguyện của ông, tổ chức đám tang không quá 48 tiếng và thực hiện cho vào áo quan ngay từ khi bắt đầu tổ chức tang lễ.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, ông Dương Chính Phù cho biết, bản thân ông là một người rất tâm huyết trong công cuộc xoá bỏ hủ tục lạc hậu. Ông đã đi từng xã tổ chức mạn đàm với các dòng họ người dân tộc Mông trên địa bàn để vận động, thuyết phục các dòng họ thực hiện việc đưa người chết vào trong áo quan ngay từ khi bắt đầu tổ chức tang lễ. “Đồng bào dân tộc Mông giàu truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, nhiều dòng họ có tính bảo thủ cao, không chịu thay đổi cái mới, mà vẫn duy trì nếp cũ. Họ cho rằng từ xa xưa dòng họ, phong tục vẫn làm như vậy cho nên họ không muốn thay đổi. Rất mừng vì thông qua các buổi đối thoại trực tiếp với các đảng viên, trưởng bản và người dân, đa phần họ đã chấp hành” ông Phù chia sẽ.
“Mưa dầm thấm sâu”
Sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU và Đề án số 16-ĐA/HU, đến nay đã có những thay đổi rõ nét trong cuộc sống của người dân vùng cao Quản Bạ. Đơn cử như việc cho người chết vào áo quan trước khi cử hành tang lễ, thời gian tổ chức đám tang không quá 48 tiếng, không mổ nhiều gia súc, vật nuôi,… Cưới xin nay đã giảm bớt tục thách cưới cao, tình trạng ép hôn, gả bán không còn, giảm hẳn số vụ tảo hôn và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện có tổng cộng 126 người chết, trong đó có 79/81 đám tang người Mông thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi cử hành tang lễ (đạt tỷ lệ 97,5% tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023 (90,5%), các dân tộc khác thực hiện 100%).
Về hoạt động cưới hỏi, trên địa bàn huyện có tổng 101 đám cưới trên tổng số 145 cặp đăng ký kết hôn, các đám cưới được tổ chức phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Toàn huyện có 10 trường hợp tảo hôn đã được cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, vận động hoãn hôn thành công 6 cặp, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống,…
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 27-NQ/TU và Đề án số 16-ĐA/HU, bà Viên Thị Mai Lan cho biết, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh huyện lập danh mục thống kê các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu theo từng lĩnh vực trên địa bàn huyện (trong đó đã thống kê được 38 nội dung cần cải tiến, 40 nội dung cần xóa bỏ hoàn toàn), chỉ đạo cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện theo danh mục thống kê, có lộ trình, giải pháp cụ thể với từng nội dung, từng thôn, tổ.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU và Đề án số 16-ĐA/HU thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt các đoàn thể, sinh hoạt Tổ dân vận thôn, tổ dân phố,… Tuyên truyền bằng loa truyền thanh internet, băng rôn, khẩu hiệu, thông qua các trang thông tin điện,…
Mặt khác, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trưởng dòng họ, hội viên “Hội nghệ nhân dân gian”, Tổ dân vận thôn, tổ dân phố; duy trì hiệu quả các mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn.
“Xóa bỏ hủ tục tại huyện vùng cao Quản Bạ có thể xem như “một cuộc cách mạng” thay đổi nhận thức. Để đạt được kết quả, huyện xác định phải kiên trì, làm từng bước, với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, song phải quyết liệt, chủ động, tích cực trong quá trình tổ chức thực hiện, chú trọng giải pháp chính là tuyên truyền, vận động, thuyết phục” Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, ông Đỗ Văn Hùng nhấn mạnh.