Nỗ lực cải thiện đời sống Nhân dân nơi địa đầu Tổ quốc

Bài 2: Công cuộc xoá đói, giảm nghèo bền vững

- Thứ Ba, 18/06/2024, 08:57 - Chia sẻ

Để phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, huyện Quản Bạ (Hà Giang) tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững,…

Thoát nghèo bền vững nhờ hồng không hạt

Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, ông Sân Tiến Phúc cho biết, hồng không hạt ở huyện Quản Bạ nói chung đã có tiếng từ lâu đời, xã Nghĩa Thuận là một trong những địa phương phát triển mạnh về cây hồng không hạt. Tuy nhiên, những năm trước đây do thị trường không ổn định nên người dân chỉ chăm sóc những cây hồng có từ lâu đời chủ yếu là trồng ở xung quanh vườn nhà, chưa có quy hoạch cụ thể và chưa được nhân ra diện rộng.

“Cho đến những năm gần đây, được sự đầu tư, giúp đỡ của tỉnh, huyện đặc biệt là dự án phát triển nâng cao giá trị sản phẩm hồng không hạt, người dân đã tích cực đăng ký và triển khai thực hiện. Qua thời gian triển khai, người dân nhận thấy cây hồng không hạt là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, nhờ có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, huyện cho người dân trồng mới, mở rộng diện tích đã khuyến khích nhiều hộ dân tích cực đăng ký, trồng mở rộng diện tích phát triển kinh tế gia đình xóa đói, giảm nghèo”, ông Phúc chia sẻ.

Bài 2: Công cuộc xoá đói, giảm nghèo bền vững -0
Cán bộ đi kiểm tra tình hình phát triển tại vườn hồng không hạt ở xã Nghĩa Thuận. Ảnh: Hoàng Chính

Tính đến nay trên địa bàn toàn xã Nghĩa Thuận đã có trên 246 ha trồng hồng không hạt (tính cả số diện tích mới trồng chưa cho thu hoạch). Năm 2023 số cây cho thu hoạch quả trên 27.000 cây (trên 90ha), năng xuất bình quân đạt 45 tạ/ha, sản lượng đạt trên 405 tấn/năm, giá bán bình quân là 25.000đ/kg, tổng thu nhập từ hồng không hạt trong toàn xã năm 2023 đạt trên 10 tỷ đồng.

Là một trong những hộ thoát nghèo bền vững từ trồng hồng không hạt, có thu nhập khá ở xã Nghĩa Thuận, gia đình ông Vương Trung Hùng (thôn Phín Ủng) hiện tại có vườn hồng rộng hơn 2ha, với hơn 600 cây. Ước tính, mỗi năm thu hoạch được hơn 5 tấn quả, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Ông Hùng chia sẻ, “Nhà tôi có cây hồng lâu đời từ hơn 200 năm, chủ yếu dùng để nhân giống cho bà con trong xã. Đối với các gốc hồng trồng mới có thể trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày khác như rau, cà chua… để lấy ngắn nuôi dài, do cây hồng phải trồng từ 6-7 năm mới cho quả, cây dễ trồng, không phải mất công chăm bón nhiều. Nhờ có cây hồng mà đời sống nhà tôi và bà con trong thôn khá giả hơn, đã thoát nghèo nhiều năm nay, có điều kiện cho con cái ăn học”.

Hay, trường hợp hộ gia đình anh Sân Xín Thanh (thôn Na Lình), từ một người đi làm thuê, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Từ khi được chính quyền hỗ trợ cho vay vốn, định hướng để trồng hồng không hạt, đến nay đời sống của cả gia đình anh đã được cải thiện, không còn lo cái ăn cái mặc, có tiền để cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Hướng tới mục tiêu tiết kiệm để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập.

Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững

Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, ông Phạm Ngọc Pha cho biết, để hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, huyện sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân,…

Bài 2: Công cuộc xoá đói, giảm nghèo bền vững -0
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha đi kiểm tra tình hình phát triển nông nghiệp tại thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván. Ảnh: Hoàng Chính

Đồng thời, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhất là một số cây trồng có giá trị cao trong xuất khẩu phù hợp với thổ nhưỡng. Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất; tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, lấy khâu đột phá về phát triển nông nghiệp sạch, đặc trưng trở thành hàng hóa gắn với thực hiện chương trình mỗi làng một sản phẩm; lựa chọn 3 cây “Cây ăn quả ôn đới, dược liệu và rau hoa trái vụ” và 2 con “bò vàng và ong” để tập trung chỉ đạo phát triển. Duy trì và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, thế mạnh khác như: dê, ngựa, gà xương đen, lợn đen.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ giống cây, con chất lượng cao; giúp người dân, nhất là người nghèo, người mới thoát nghèo cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, liên kết sản xuất, chế biến, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao theo quy mô nhóm hộ, tổ đội, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ.

Bài 2: Công cuộc xoá đói, giảm nghèo bền vững -0
Lãnh đạo huyện Quản Bạ kiểm tra tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Ảnh: Hoàng Chính

Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển các mô hình phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho người nghèo và thanh niên dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tập trung chỉ đạo tăng cường triển khai chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10.6.2021, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư và các văn bản triển khai thực hiện của Chính phủ, của tỉnh.

Bảo Anh, Trọng Hiếu, Nguyễn Ngân, Đức Sơn
#